Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 08/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 08/KH-UBND
Ngày ban hành 18/01/2023
Ngày có hiệu lực 18/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 18 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH NĂM 2023

Năm 2023, là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội; trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn. Đối với tỉnh ta, phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua; kết hợp với các tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội hiện có là nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới; kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Tuy nhiên, tỉnh đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn lực còn hạn hẹp trong khi phải đáp ứng cùng lúc yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023; đồng thời hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai và tập trung thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023, tạo sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao. Xác định khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp từ tỉnh đến cơ sở phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

2. Yêu cầu

Triển khai Kế hoạch phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung của Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các cấp, ngành, địa phương. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự giám sát của nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn tỉnh để thực hiện thành công Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành, đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc triển khai thực hiện.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương phải tập trung quyết liệt, chủ động thích ứng, linh hoạt, tích cực đổi mới, sáng tạo, thống nhất và triển khai thực hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2023 “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi m ới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.

1. Tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025

Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, căn cứ vào tình hình thực tiễn để tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Tập trung triển khai, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện các chính sách, Đề án, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của tỉnh đã được ban hành thực hiện các khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh 5 năm 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; Kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2023-2025; Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch sử dụng đất huyện, thành phố, giai đoạn 2021-2030; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023.

2. Tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh

Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh; rà soát, cập nhật, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, ban hành phương án xử lý có hiệu quả, kịp thời các tình huống, các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra; để tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong phòng, chống dịch.

3. Tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 khâu đột phá

3.1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng nông thôn m ới

Tập trung thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã ban hành. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng; ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”; kết nối đưa nông sản của tỉnh vào các Trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lên sàn giao dịch thương mại điện tử; nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tiêu chuẩn hoá, nâng hạng các sản phẩm OCOP. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng chống dịch bệnh gia súc; phòng chống thiên tai. Quản lý tốt chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; phát triển vùng nguyên liệu gỗ để cung ứng nguyên liệu ổn định cho công nghiệp sản xuất giấy, bột giấy, chế biến gỗ và các sản phẩm ngoài gỗ. Mở rộng diện tích rừng gỗ lớn; duy trì tổ chức cấp mới chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC. Tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô; nâng cao năng lực kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Xây dựng “Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục lồng ghép chính sách của Trung ương, chính sách của tỉnh, các chương trình, dự án để thực hiện hoàn thành kế hoạch nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó duy trì, giữ vững 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 08 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới).

3.2. Phát triển du lịch

Tập trung thực hiện tốt Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Tuyên Quang; Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023-2025. Tổ chức Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV gắn với Lễ hội thành Tuyên năm 2023;... Triển khai thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm/dịch vụ Lễ hội Thành Tuyên. Gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. Tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh cao; tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển du lịch, nhất là hạ tầng du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; triển khai Quy hoạch phát triển Khu du lịch Na Hang - Lâm Bình... Thực hiện tốt mục tiêu xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành trung tâm giáo dục lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch của cả nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh.

3.3. Quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ theo hướng hiện đại. Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước... Tiếp tục huy động và phân bổ nguồn lực tập trung, có trọng điểm để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, viễn thông, điện lực. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường trục giao thông phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn, Đề án bê tông hoá đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2021-2025; chương trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng;... Tập trung triển khai thực hiện dự án Đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm, Trường THPT Chuyên và các công trình, dự án khác; chỉ đạo đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước… Triển khai đầu tư một số tuyến đường giao thông kết nối, liên kết giữa Vĩnh Phúc và Tuyên Quang: tuyến giao thông kết nối từ nút giao IC.5 (cao tốc Nội Bài - Lào Cai) đến Tuyên Quang; tuyến QL.2D kết nối huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc với huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang; tuyến ĐT.307 kết nối huyện Sông Lô với huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang;... Tăng cường công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình giao thông đảm bảo thông suốt. Tập trung triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 02/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Chiêm Hoá, Yên Sơn, Sơn Dương; Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Na Hang - Lâm Bình; điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Hàm Yên giai đoạn 2018-2030, định hướng đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá theo kế hoạch; lập Quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang (giai đoạn 2); Lập Quy hoạch chung đô thị mới: xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình); xã Đà Vị (huyện Na Hang); xã Hòa Phú (huyện Chiêm Hóa); xã Phù Lưu, xã Thái Sơn (huyện Hàm Yên); xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn); lập Quy hoạch chung đô thị mới xã Trung Môn (huyện Yên Sơn); Điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025;...

Quyết liệt thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường chuyển đổi số trên các lĩnh vực, ưu tiên đầu tư hạ tầng, nền tảng số, phát triển kinh tế số và xã hội số; chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn tỉnh. Xây dựng hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành Đô thị thông minh (IOC); xây dựng cổng dữ liệu dùng chung, nền tảng và kho cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn tỉnh; nền tảng và kho cơ sở dữ liệu các ngành; phát triển thương mại điện tử;… Nâng thứ hạng của tỉnh Tuyên Quang trên bảng xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số, phấn đấu xếp 35 của cả nước. Triển khai xây dựng và cung cấp dịch vụ 5G tại thành phố Tuyên Quang, khu vực trung tâm các huyện và các khu, điểm du lịch, khu, cụm công nghiệp, các khu tập trung đông dân cư, các khu dịch vụ...

4. Phát triển công nghiệp

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, dược liệu; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng bền vững cả về số lượng và chất lượng. Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư gắn với tiêu chí ứng dụng khoa học công nghệ cao và bảo vệ môi trường, sản xuất các sản phẩm kỹ thuật tiên tiến như: chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện tử, cơ khí chế tạo... Thường xuyên nắm tiến độ sản xuất, kinh doanh của các sản phẩm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thuận lợi, đúng tiến độ, phát huy công suất, hiệu quả hoạt động của các nhà máy; đảm bảo hoàn thành tố c độ tăng trưởng về sản xuất công nghiệp. Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[...]