Nghị quyết 39/NQ-HĐND năm 2020 về Kế hoạch tài chính 5 năm thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 39/NQ-HĐND
Ngày ban hành 22/12/2020
Ngày có hiệu lực 22/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Văn Thành
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 22 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 5 NĂM THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định chi tiết lập Kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm;

Căn cứ Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23/3/2017 của Chính phủ ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm;

Căn cứ Thông tư số 38/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 202/TTr-UBND ngày 19/12/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Kế hoạch tài chính 5 năm thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục huy động, phân phối, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước; tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Điều 2. Các mục tiêu cụ thể

1. Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 583.296 tỷ đồng, tăng khoảng 1,43 lần so với giai đoạn 2016 - 2020; trong đó thu nội địa khoảng 248.600 tỷ đồng, tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 42% tổng thu ngân sách trên địa bàn; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 304.455 tỷ đồng.

2. Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 195.473 tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư phát triển khoảng 94.055 tỷ đồng, chi thường xuyên khoảng 75.174 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025 chi đầu tư phát triển chiếm 60% chi ngân sách thành phố.

3. Huy động vốn vay của chính quyền địa phương: Tổng mức vay của chính quyền địa phương giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 10.000 tỷ đồng. Trong đó, huy động vốn vay thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 7.500 tỷ đồng.

Điều 3. Định hướng

1. Về thu ngân sách nhà nước: Tiếp tục cải thiện, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất kinh doanh. Tập trung tăng cường công tác quản lý thu, rà soát các khoản thu; chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, chính sách và pháp luật của nhà nước; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Rà soát lại các khoản phí, lệ phí để triển khai thực hiện theo Luật Phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố ban hành. Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất, đôn đốc thực hiện kịp thời các nghĩa vụ tài chính phát sinh.

2. Về chi ngân sách nhà nước: Tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên một cách hợp lý; tăng cường công tác quản lý chi hành chính, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; đảm bảo các chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là các khoản chi cho con người.

Điều 4. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chống thất thu ngân sách. Rà soát, làm rõ những khoản thu, sắc thuế còn thất thu, các nguồn thu còn tiềm năng, nhất là nguồn thu lớn có tính bền vững. Tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản. Siết chặt kỷ cương, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý thu, chi ngân sách.

2. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân bổ ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, xây dựng định mức chi ngân sách bám sát theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan trung ương, đồng thời phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của thành phố; tiếp tục phân cấp cho quận, huyện trong lĩnh vực thu, chi ngân sách, quản lý vốn đầu tư công; có cơ chế ưu tiên bổ sung có mục tiêu cho các địa phương có số thu ngân sách vượt dự toán được giao. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công vào các công trình, dự án trọng điểm, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, coi đây là đòn bẩy thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn ngoài ngân sách. Rà soát bổ sung các nguồn tài chính hợp pháp như nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn cải cách tiền lương còn dư hàng năm, nguồn kết dư ngân sách, ... để bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công phấn đấu chi đầu tư phát triển đạt tỷ lệ 60% chi ngân sách thành phố. Đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, biên chế. Hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp do thành phố quản lý.

3. Xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thành phố Hải Phòng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá, khả thi cao (cơ chế về tài chính - ngân sách, cơ chế đối với trái phiếu chính quyền địa phương,...).

4. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục là động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt trong các ngành kinh tế chủ lực. Thu hút các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, giữ vai trò dẫn dắt, có sức lan tỏa và đóng góp ngân sách lớn, đầu tư sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

5. Chủ động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có trình độ công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đóng góp lớn cho ngân sách.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ