Quyết định 3416/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch đổi mới và nâng cao năng lực tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo

Số hiệu 3416/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/09/2023
Ngày có hiệu lực 14/09/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Phạm Anh Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3416/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 14 tháng 9 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC UBND TỈNH VÀ CÁC SỞ, NGÀNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2023-2025 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại tờ trình số 424/TTr-STC ngày 11/9/2023.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch đổi mới và nâng cao năng lực tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

Điều 2. Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch nêu tại Điều 1 theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Quyết định số 4817/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch, lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn năm 2018-2020, năm 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh hết hiệu lực kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Anh Tuấn

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC UBND TỈNH VÀ CÁC SỞ, NGÀNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2023-2025 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO
(Kèm theo Quyết định số: 3416/QĐ-UBND ngày 14/9/2023 của UBND tỉnh)

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/11/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương);

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đổi mới và nâng cao năng lực tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo;

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Cụ thể hoá chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các ĐVSNCL; Các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sẽ tự chủ về một số nội dung như: được quyết định số lượng người làm việc; được chủ động quyết định việc sử dụng nguồn tài chính, tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động của đơn vị để nâng cao thu nhập cho viên chức, người lao động; Tăng dần tính tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng bảo đảm chi thường xuyên, giảm kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, hướng đến đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

2. Đẩy mạnh việc áp dụng cơ chế đặt hàng cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công gắn liền với nhu cầu sử dụng, với số lượng, chất lượng cụ thể để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ NSNN, tránh lãng phí. Cùng với đó, có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đầu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN để tạo điều kiện cho cơ sở ngoài công lập cùng tham gia cung cấp. Qua đó, giúp giảm dần các sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, giao kế hoạch.

3. Ngân sách chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đầu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

II. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN:

1. Trong điều kiện mức sống của người dân tại địa phương còn thấp, khả năng chi trả của người dân còn hạn chế nên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông: trong các năm tiếp theo vẫn giữ nguyên mức độ tự chủ tài chính như hiện nay.

[...]