Nghị quyết 37/NQ-HĐND năm 2022 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026
Số hiệu | 37/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 22/07/2022 |
Ngày có hiệu lực | 20/07/2022 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Ninh Thuận |
Người ký | Phạm Văn Hậu |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/NQ-HĐND |
Ninh Thuận, ngày 22 tháng 7 năm 2022 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc tiếp thu, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đã theo dõi sâu sát diễn biến tình hình thực tế và thẳng thắn đặt vấn đề chất vấn những nội dung quan trọng, bức xúc, nổi cộm được nhiều đại biểu, cử tri và dư luận quan tâm. Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Giám đốc các Sở, ngành trong việc tiếp thu các ý kiến chất vấn của đại biểu, trả lời chất vấn đúng trọng tâm, đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu đặt ra, nghiêm túc nhận trách nhiệm liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách, tham mưu; tăng cường công tác quản lý để tổ chức thực hiện và có giải pháp hiệu quả trong thời gian đến.
Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Đối với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trong thời gian qua, tỉnh đã quan tâm bố trí nhiều nguồn lực đầu tư và thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, như: Đầu tư xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão; hỗ trợ đóng tàu và cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp việc khai thác hải sản; hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho ngư dân; tổ chức cho ngư dân sản xuất theo mô hình tổ, đội sản xuất; thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giải quyết khó khăn, nâng cao đời sống cho ngư dân… Các chính sách triển khai thực hiện đã phát huy được hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp và ngư dân bảo đảm việc khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản được ổn định, từng bước tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất cho bà con ngư dân ở vùng ven biển, nông thôn và hải đảo, đồng thời bảo đảm phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản.
Trong thời gian tới, đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
a) Về hạ tầng, đất đai, môi trường khu vực cảng cá
- Rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống cảng cá của tỉnh nhằm xây dựng phương án, giải pháp đầu tư hạ tầng cảng cá để tạo động lực cho phát triển thủy sản bền vững. Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá cần theo hướng công nghiệp, hiện đại trên cơ sở nâng cấp, mở rộng cảng cá hiện có, tập trung vào các hạng mục dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đảm bảo năng lực đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng cho tàu cá đánh bắt tại ngư trường trên địa bàn tỉnh.
- Trên cơ sở quy hoạch ngành thủy sản cũng như quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cần nghiên cứu lồng ghép các chương trình, dự án và ưu tiên, bố trí kinh phí để duy tu, sửa chữa hạ tầng các cảng cá; nghiên cứu đề xuất, xây dựng các chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hệ thống cảng cá cũng như phát triển các dịch vụ tại cảng.
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội quy, quy chế quản lý tàu cá và khu neo đậu tránh trú bão cho các chủ tàu thuyền, các quy định của pháp luật liên quan về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an ninh trật tự cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong cảng cá.
- Về xử lý đất đai tại khu vực cảng cá: Tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án, kế hoạch thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nghề cá kết hợp du lịch biển; phối hợp các ngành rà soát, hướng dẫn thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân.
- Về môi trường khu vực cảng cá: Có cơ chế phối hợp để đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn lực cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
- Về nạo vét luồng lạch: Chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch chặt chẽ, cụ thể về thời gian, lộ trình đảm bảo thực hiện kịp thời, phù hợp.
b) Phát triển ngành nuôi biển, nuôi khơi
- Cần có giải pháp cụ thể, nhất là chính sách để người dân áp dụng các mô hình chuyển đổi mới đảm bảo bền vững; công tác quy hoạch các điểm nuôi trồng đảm bảo tính lâu dài, tránh tác động, ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, nhất là du lịch.
- Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư áp dụng công nghệ lồng nuôi biển bằng vật liệu mới, thích hợp nuôi vùng biển sâu và bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển; hình thành mối liên kết theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch trải nghiệm.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại phát triển nuôi biển, bao gồm các hạng mục hạ tầng thiết yếu cho phát triển các vùng sản xuất giống, vùng nuôi thương phẩm; khu công nghiệp hỗ trợ phục vụ nuôi biển, hệ thống quan trắc môi trường nuôi biển tự động nhằm tăng công suất - chất lượng - hiệu quả sản xuất giống, đảm bảo sản xuất giống mang lại hiệu quả ổn định và bền vững.
- Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh bảo môi trường để giám sát diễn biến môi trường tại các vùng nuôi biển tập trung. Kêu gọi thu hút các doanh nghiệp lớn có năng lực tài chính, có công nghệ đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển theo hướng hiện đại.
c) Chính sách bảo đảm để ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân đối với việc khai thác hải sản phải gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Triển khai thực hiện đảm bảo, có hiệu quả các chính sách, biện pháp đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
- Có cơ chế hướng dẫn, cung cấp thông tin về các chính sách và quy trình hỗ trợ, rút ngắn các thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân được thụ hưởng chính sách; có cơ chế theo dõi, giám sát, kiểm soát quá trình thực hiện chính sách.