Nghị quyết 37/NQ-HĐND năm 2020 về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2016-2020"
Số hiệu | 37/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 17/07/2020 |
Ngày có hiệu lực | 17/07/2020 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Ninh Thuận |
Người ký | Nguyễn Đức Thanh |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/NQ-HĐND |
Ninh Thuận, ngày 17 tháng 7 năm 2020 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh về chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2020; Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 16/12/2019 của HĐND tỉnh thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2016-2020”;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 22/BC-ĐGS ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất nội dung Báo cáo kết quả giám sát số 22/BC-ĐGS ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2016-2020”, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:
1. Kết quả đạt được
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh được thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác đề ra; công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho lao động đạt kết quả tích cực góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Quy mô, chất lượng giáo dục được duy trì; giáo dục miền núi được chú trọng; mạng lưới đào tạo nghề được mở rộng; công tác xã hội hoá trong xây dựng trường học ngoài công lập được tăng cường và đạt kết quả, nhất là đối với bậc giáo dục mầm non.
- Công tác quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện sát với nhu cầu, vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu, tiêu chuẩn ngạch tuyển dụng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được củng cố, tinh gọn, chất lượng được nâng lên. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, chính sách thu hút người có trình độ cao được ban hành và thực hiện góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Đạt được kết quả nêu trên là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự nỗ lực của UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp Nhân dân, các doanh nghiệp trong việc tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
2. Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế, bất cập:
- Một số sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác phát triển nguồn nhân lực chua sát với yêu cầu, nhiệm vụ công tác đề ra; việc phân công, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Quy hoạch phát triển nhân lực có mặt, có nơi chưa được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, thực hiện công tác còn lúng túng; công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ chưa được tổ chức thực hiện theo quy định.
- Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ còn thấp, có chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực giai đoạn 2011-2020 (Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh), Quyết định số 546/QĐ-UBND ngày 13/12/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 546/QĐ-UBND của UBND tỉnh), cụ thể một số chỉ tiêu như: Chỉ tiêu về chuyển dịch cơ cấu lao động để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; bảo đảm nhu cầu số lượng và nâng cao chất lượng lao động cho các ngành kinh tế trụ cột; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; có một số chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng chưa được đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
- Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và hội nhập quốc tế; cơ cấu đào tạo nghề cho lao động chủ yếu là đào tạo nghề ngắn hạn, dạy nghề thường xuyên, lao động có trình độ từ trung cấp nghề trở lên còn thấp, chỉ chiếm 11,8% tổng lao động qua đào tạo nghề giai đoạn 2016 - 2020; chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, đào tạo nghề chưa sát với nhu cầu sử dụng, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch...
- Công tác xã hội hóa lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn khó khăn; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trường học ngoài công lập còn hạn chế.
- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học còn thấp so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và mức bình quân chung của cả nước; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng quản lý, kiến thức hội nhập của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa đáp ứng yêu cầu công tác trong xu thế hội nhập và phát triển.
- Việc thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh tuy được quan tâm thực hiện nhưng kết quả đạt được còn hạn chế; việc thu hút nhân lực y tế chưa đạt so với chỉ tiêu được đề ra; việc thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ sau đại học ở nước ngoài chưa đạt hiệu quả như mong muốn; chính sách sử dụng, bố trí việc làm cho sinh viên là người dân tộc thiểu số theo hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp chưa được thực hiện đảm bảo.
- Việc huy động các nguồn tài chính hợp pháp để thực hiện phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế, chỉ đạt 11,7% so với kế hoạch đề ra.
- Việc thực hiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác theo dõi, đánh giá phát triển nhân lực, định hướng, hoạch định chính sách phát triển nhân lực; việc hình thành hệ thống thông tin, dự báo nhu cầu nhân lực của địa phương chưa được thực hiện đảm bảo theo yêu cầu đề ra tại Quyết định số 546/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
HĐND tỉnh nhận định, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như: Nguồn lực đầu tư, phát triển nhân lực của địa phương; việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; việc ban hành cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp tạo môi trường, điều kiện, cơ hội việc làm cho người lao động trong tỉnh còn hạn chế thì những bất cập, hạn chế nêu trên còn xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như: Một số sở, ngành, chính quyền địa phương chưa thật quan tâm, chú trọng trong việc xây dựng, triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực của ngành, của địa phương; công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, công tác sơ kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ chưa được thực hiện đảm bảo theo quy định; sự phân công, phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương trong công tác phát triển nguồn nhân lực chưa thật rõ ràng, chặt chẽ.
Điều 2. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, HĐND tỉnh thống nhất đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
1. Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; các cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực; các Chương trình, Đề án đã được đề ra theo Quyết định số 546/QĐ-UBND của UBND tỉnh; tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; xây dựng các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tới.
2. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp; thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong nước và hội nhập quốc tế.
3. Tiếp tục thực hiện rà soát, nắm bắt nhu cầu việc làm của các đối tượng lao động, chú trọng các đối tượng lao động có trình độ cao nhưng chưa có việc làm, có giải pháp sử dụng nguồn nhân lực trong xã hội phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.