Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 09/NQ-HĐND năm 2021 về Quy chế giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 trong thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 09/NQ-HĐND
Ngày ban hành 14/07/2021
Ngày có hiệu lực 14/07/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trần Văn Huyến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/NQ-HĐND

Hậu Giang, ngày 14 tháng 7 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, NHIỆM KỲ 2021 -2026 TRONG THỰC HIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH NHẰM THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Xét Tờ trình số 14/TTr-HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy chế giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Khoá X Kỳ họp thứ Hai thông qua và có hiệu lực từ ngày 14 tháng 7 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (HN-TP.HCM);
- Bộ Nội vụ;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND, UBMTTQVN cấp huyện;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Huyến

 

QUY CHẾ

GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, NHIỆM KỲ 2021 - 2026 TRONG THỰC HIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH NHẰM THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH
(Kèm theo Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định về nội dung tổ chức, thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang.

2. Đối tượng áp dụng: Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề

1. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch và hiệu quả; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng chịu sự giám sát; đảm bảo tuân thủ theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra.

2. Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân hoạt động theo nguyên tắc tập trung, dân chủ; Đoàn giám sát tổ chức các Tổ công tác để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn.

3. Các Ban của Hội đồng nhân dân phụ trách lĩnh vực có liên quan đến chuyên đề giám sát giúp Đoàn giám sát thực hiện các công việc về nội dung giám sát, phối hợp xây dựng và hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát theo quy định. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh phục vụ Đoàn giám sát về thông báo, giấy mời, công tác đảm bảo hậu cần, phương tiện cần thiết cho hoạt động giám sát theo quy định; tổng hợp, đánh giá rút kinh nghiệm về hoạt động của Đoàn giám sát

4. Cuộc họp, làm việc toàn thể của Đoàn giám sát do Trưởng Đoàn giám sát hoặc Phó Trưởng Đoàn giám sát chủ trì, bảo đảm ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Đoàn giám sát tham dự; trường hợp Đoàn giám sát yêu cầu cơ quan chịu sự giám sát báo cáo thì cơ quan này phải bố trí đúng thành phần tham dự và báo cáo theo quy định của pháp luật. Người chủ trì cuộc họp, cuộc làm việc của Đoàn giám sát có thể dừng cuộc họp, cuộc làm việc nếu không bảo đảm yêu cầu quy định tại khoản này.

5. Thành viên Đoàn giám sát có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình công tác và tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn giám sát; trường hợp không tham gia phải báo cáo Trưởng Đoàn giám sát. Các cơ quan, đơn vị có người tham gia làm thành viên hoặc được mời tham gia Đoàn giám sát phải tạo điều kiện để người đó tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổng hợp việc tham gia của các thành viên, người được mời tham gia Đoàn giám sát giúp lãnh đạo Đoàn giám sát thực hiện tốt theo quy định.

6. Việc tổ chức các hoạt động của Đoàn giám sát bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh phô trương, hình thức.

7. Nghị quyết giám sát của Hội đồng nhân dân là văn bản pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng chịu sự giám sát có trách nhiệm thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát theo quy định.

Điều 3. Mục tiêu giám sát

[...]