Nghị quyết số 37-CP về định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời gian 1996-2000 và chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam do Chính phủ ban hành

Số hiệu 37-CP
Ngày ban hành 20/06/1996
Ngày có hiệu lực 05/07/1996
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 1996

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 37-CP NGÀY 20 THÁNG 6 NĂM 1996 VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢCCÔNG TÁC CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ NHÂN DÂN TRONG THỜI GIAN 1996-2000 VÀ CHÍNH SÁCH QUỐC GIA VỀ THUỐC CỦA VIỆT NAM

Tại phiên họp ngày 23 tháng 4 năm 1996 Chính phủ đã nghe báo cáo về tình hình sức khoẻ nhân dân, về công tác y tế trong thời gian qua, sau đó đã thảo luận và thông qua: Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong những năm 1996-2000. Chính phủ cũng đã thảo luận và quyết định các chính sách về thuốc chữa bệnh của Việt Nam.

Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, của các cấp chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, các cơ quan của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân thể hiện ở 2 văn bản kèm theo Nghị quyết này:

1- Định hướng chiến lược công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân từ nay đến 2000 và 2020.

2- Chính sách Quốc gia về thuốc của Việt Nam.

Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể hướng dẫn và đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận phối hợp với ngành y tế và các cơ quan Nhà nước có liên quan vận động nhân dân trong cả nước hưởng ứng và tham gia tích cực vào các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, thực hiện có kết quả các mục tiêu đề ra trong định hướng chiến lược, góp phần nâng cao chất lược cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ NHÂN DÂN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2000 VÀ 2020

Phần thứ nhất:

ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ NHÂN DÂN TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI, ĐẶC BIỆT LÀ TỪ SAU ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ VII ĐẾN NAY

I- CÁC THÀNH TỰU CƠ BẢN:

Trong những năm qua, sự quan tâm chỉ đạo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân của Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện qua các nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và VII, đặc biệt Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII đã ra Nghị quyết về "những vấn đề cấp bách trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân". Quốc hội đã ban hành Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định để thể chế hoá các chủ trương chỉ đạo của Đảng. Ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước nên công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng.

1- Củng cố hệ thống y tế cơ sở:

Sau khi hệ thống hợp tác xã nông nghiệp tiến hành khoán 10, hàng loạt trạm y tế xã đã bị ảnh hưởng, dẫn đến ngừng hoạt động hoặc làm việc cầm chừng do thiếu nguồn lực. Trước tình hình đó, một số địa phương đã chủ động tìm biện pháp củng cố y tế cơ sở. Đặc biệt là sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 và Quyết định 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới y tế cơ sở đã được củng cố một bước về tổ chức, cán bộ, cơ sở làm việc và trang thiết bị, đổi mới nội dung hoạt động, đưa nhiều cán bộ chuyên môn tăng cường cho cơ sở. Tới nay đã có 1.800 bác sĩ công tác tại các Trạm y tế xã. Trong hai năm 1994-1995 đã có trên 700 trạm y tế xã được xây dựng mới. Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và y tế huyện đã được tăng cường, trình độ được nâng lên cả về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý. Việc củng cố y tế cơ sở đã mở ra khả năng đẩy nhanh chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại từng gia đình, thôn, bản.

2- Ngành y tế đã tích cực phối hợp với các cơ quan chính quyền và đoàn thể nhân dân vận động, tuyên truyền giáo dục nhân dân xây dựng phong trào vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, tích cực triển khai các đề án phòng chống dịch bệnh, giám sát dịch tế, các chương trình y tế quốc gia được thực hiện tốt. Nhờ vậy số mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm gây dịch đã từng bước được khống chế và đẩy lùi. Đẩy nhanh công tác vệ sinh phòng dịch bệnh: nhiều bệnh dịch đã được khống chế, các bệnh được phòng chống bằng vacxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã giảm nhiều.

Công tác tiêm chủng mở rộng từ năm 1986 đến nay được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng phối hợp với Ngành y tế đã duy trì được tỷ lệ tiêm chủng trên 85% trong nhiều năm liền. Công tác phòng chống sốt rét đã thu được kết quả tốt, tỷ lệ tử vong giảm rõ rệt, không còn dịch lớn xảy ra và tỷ lệ mắc bệnh đã giảm đáng kể. Các chương trình khác như phòng chống bướu cổ, chống lao, phong... cũng đạt được các mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, việc phòng chống các bệnh không nhiễm khuẩn, thường gặp ở các nước công nghiệp phát triển như các bệnh tim mạch và cao huyết áp, ung thư, tâm thần, nghiện hút, các bệnh cơ, xương, khớp, tai nạn giao thông, việc chăm lo sức khoẻ người có tuổi, khắc phục các hậu quả về sức khoẻ do chiến tranh để lại việc phòng chống các loại bệnh tật phổ biến theo từng nhóm tuổi, từng bộ phận dân cư, từng loại hình lao động, nghề nghiệp cũng được quan tâm và đạt nhiều kết quả.

3- Chuyển biến bước đầu trong công tác khám chữa bệnh đã có:

Ngành y tế đã chấn chỉnh công tác quản lý bệnh viện, phát động phong trào thi đua trong toàn ngành củng cố nền nếp hoạt động của các bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là nâng cao tinh thần thái độ phục vụ. Việc thu một phần viện phí và bảo hiểm y tế đã góp phần bổ sung kinh phí cho công tác khám chữa bệnh. Mấy năm gần đây Nhà nước và các địa phương đã đầu tư nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh, bộ mặt các cơ sở khám chữa bệnh đã bước đầu đổi mới, trang thiết bị được bổ sung, cán bộ được đào tạo và bồi dưỡng nhiều hơn, đã có khả năng chẩn đoán sớm, điều trị khỏi một số bệnh mà trước đây ta chưa có điều kiện. Đã bước đầu sắp xếp lại mạng lưới khám chữa bệnh, đa dạng hoá các loại hình tổ chức chăm sóc sức khoẻ, huy động nhiều thành phần nhân dân tham gia hoạt động dịch vụ y tế theo pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân.

4- Ngành dược đã có bước phát triển khá: Đã đảm bảo phần lớn nhu cầu về thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế thiết yếu, khắc phục được tình trạng thiếu thuốc và dụng cụ y tế trong nhiều năm trước đây. Năm 1994 tính trung bình tiền thuốc bình quân mỗi người dân được 3,2 USD tăng gấp 6 lần so với thời kỳ 1986-1990. Nhờ mở rộng các dịch vụ cung cấp thuốc (quốc doanh, tập thể, tư nhân) nên thuốc chữa bệnh đã về đến tận thôn bản, kể cả vùng núi, vùng cao, vùng sâu. Thị trường thuốc đang được chấn chỉnh nhằm ngăn chặn và xoá bỏ tình trạng bán thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, thuốc gây nghiện.

5- Tiếp tục phát huy và phát triển y học cổ truyền dân tộc:

Hệ thống tổ chức y học cổ truyền (YHDT) đã được củng cố và sắp xếp phù hợp với cơ chế quản lý mới, hướng về y tế cộng đồng làm nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo trong việc chữa các chứng bệnh thông thường ở cộng đồng. Hàng năm có tới 1/3 trong số người đến khám và chữa bệnh được điều trị bằng y học cổ truyền ở các cơ sở điều trị, đặc biệt là ở cộng đồng. Đã tăng cường việc đào tạo thầy thuốc y học cổ truyền. Quan hệ quốc tế về y học cổ truyền được mở rộng. Một số cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đã được nâng cấp.

Tình hình sức khoẻ nhân dân đã được cải thiện một bước. Tuổi thọ trung bình tăng, tỷ lệ trẻ suy sinh dưỡng, tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tỷ lệ chết mẹ, tỷ lệ trẻ sơ sinh có trọng lượng dưới 2.500g đều giảm. Một số chỉ tiêu sức khoẻ đã đạt mức của các nước có thu nhập cao hơn ta 2-3 lần.

II- NHỮNG TỒN TẠI VÀ THÁCH THỨC:

1- Y tế phải đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng của mọi tầng lớp nhân dân và trước hết phải quan tâm đến người có công, người nghèo và vùng khó khăn, vùng căn cứ cách mạng. Đảm bảo công bằng về chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và giữ được bản chất nhân đạo của Ngành Y tế trong điều kiện nền kinh tế thị trường là một vấn đề cấp bách, vừa là chính sách lâu dài.

2- Tình trạng ô nhiễm môi trường, những tệ nạn xã hội như nghiện hút, ma tuý, mại dâm... đang là những yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ nhân dân, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tật. ở nông thôn ô nhiễm do thói quen dùng phân không xử lý, dùng hoá chất trừ sâu, phân hoá học và thiếu hố xí hợp vệ sinh; ở các đô thị ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, tiếng ồn. Tỷ lệ dân được dùng nước sạch còn rất thấp. Công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ còn có tính thời vụ, làm theo chiến dịch, chưa tạo ra được phong trào nhân dân tham gia vệ sinh phòng bệnh. Tỷ lệ dân được dùng nước sạch còn rất thấp.

[...]