Nghị quyết 327/NQ-HĐND năm 2020 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 327/NQ-HĐND
Ngày ban hành 01/12/2020
Ngày có hiệu lực 01/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Trần Quốc Toản
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 327/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 01 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

Xét Báo cáo số 213/BC-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan.

1. Kết quả chủ yếu

Năm 2020, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh đạt được khá toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 6,13%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 78,83 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 61,6% - nông nghiệp, thủy sản 9,29% - thương mại, dịch vụ 29,12%. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản tăng 3,48%. Giá trị thu nhập bình quân trên 01 ha đất canh tác đạt 210 triệu đồng. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 7,03%, trong đó diện tích lúa giảm 6,74%; năng suất lúa bình quân 62,88 tạ/ha, giảm 1,84%; sản lượng thóc giảm 7,09%. Sản lượng các loại cây ăn quả tăng so với cùng kỳ. Chuyển đổi được 1.897 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác, nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tình hình chăn nuôi phát triển khá ổn định: đàn lợn tăng 7,42%; đàn trâu tăng 6,22%; đàn bò giảm 6,31%; đàn gia cầm tăng 4,28%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng giảm 2,76%. Sản lượng thủy sản tăng 5,38%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo: có thêm 06 huyện được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 28 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, 05 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỉnh Hưng Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 50 triệu đồng/người/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,52%. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 4,44%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 6,83%. Xuất khẩu giảm 5,26%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng trên 4%. Tiếp nhận 69 dự án đầu tư mới với số vốn đăng ký tương đương 808,8 triệu USD. Tổng thu ngân sách 15.500 tỷ đồng, đạt 104,2% kế hoạch, giảm 3,4%, trong đó thu nội địa 12.000 tỷ đồng, đạt 113,6% kế hoạch, giảm 2,2%; chi ngân sách 11.943 tỷ đồng, đạt 93,98% kế hoạch, trong đó: chi đầu tư phát triển 5.605 tỷ đồng, đạt 97,12% kế hoạch; chi thường xuyên 6.338 tỷ đồng, đạt 91,3% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 37.735 tỷ đồng. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tiếp tục được tăng cường. Hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm đầu tư, các công trình giao thông trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tình hình tai nạn giao thông giảm. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực: có thêm 43 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 403 trường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 90,5%, tỷ lệ xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ làng, khu phố văn hoá 88,7%, tỷ lệ gia đình văn hoá 91,5%. Công tác an sinh, xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả, thiết thực; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, tạo việc làm mới cho 2,33 vạn lao động. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Quốc phòng quân sự địa phương được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được nâng lên.

2. Hạn chế, yếu kém

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các lĩnh vực sản xuất gặp nhiều khó khăn. Việc tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi còn chậm. Số lượng dự án thu hút đầu tư giảm so với cùng kỳ, chưa có các dự án quy mô lớn. Thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thi công một số công trình giao thông còn chậm. Vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Thông tin thị trường lao động còn hạn chế, chất lượng dịch vụ việc làm chưa cao. Công tác phân luồng, định hướng đào tạo từ các cấp học phổ thông chưa hiệu quả. Khung kế hoạch thời gian học kỳ II năm học 2019-2020 bị kéo dài, tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới bị ảnh hưởng. Tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH còn chậm. Phát triển du lịch còn chậm; chất lượng dịch vụ còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Điều 2. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2021

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư; bảo đảm chủ động tự cân đối ngân sách. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, chú trọng hơn ở các khu vực trọng điểm để thúc đẩy lan tỏa phát triển. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 8,7%; giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 7%; nông nghiệp, thuỷ sản tăng 2,2%. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp, xây dựng 62% - thương mại, dịch vụ 29% - nông nghiệp, thủy sản 9%. GRDP bình quân đầu người 85 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu 4.800 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 45.300 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn 13.593,9 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa 10.193,9 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.400 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 9.770,53 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển 3.075,39 tỷ đồng, chi thường xuyên 6.695,14 tỷ đồng.

Phấn đấu có thêm 11 xã đạt nông thôn mới nâng cao, có từ 02- 05 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,2%. Duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%; tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức 118 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 35%. Tạo thêm việc làm mới cho 2,33 vạn lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 67%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26%. Tỷ lệ hộ nghèo dự kiến 1,5%. Tỷ lệ làng, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hoá 89,5%; tỷ lệ gia đình văn hoá 92%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 92%.

3. Nhiệm vụ giải pháp

3.1. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù dành cho thành phố Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào để có bước phát triển đột phá, tạo động lực phát triển cho toàn tỉnh.

3.2. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa; công nghệ sinh học gắn với chế biến, bảo quản nông sản. Tiếp tục chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Triển khai tốt công tác quản lý quy hoạch, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Tổ chức thực hiện đề án phát triển thủy sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025. Đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, duy trì và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa tập thể của tỉnh.

3.3. Tăng cường thu hút đầu tư, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong tiếp nhận dự án đầu tư, chuyển đổi mục đích đầu tư đối với những dự án kém hiệu quả, chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư theo hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Triển khai có hiệu quả đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng đề án cơ cấu ngành công nghiệp. Đẩy mạnh theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện dự án đầu tư. Hoàn thiện hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư đối với KCN số 1, KCN số 3, KCN sạch, Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng và Khu công nghiệp Thăng Long II giai đoạn 3; bổ sung quy hoạch đối với KCN số 5 và KCN Thổ Hoàng. Tiếp tục đôn đốc chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh việc hoàn thiện các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tiếp nhận dự án đầu tư vào trong khu công nghiệp.

3.4. Hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản xuất mới ít phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Tiếp tục phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ; tổ chức tốt các hội chợ khu vực, toàn quốc và quốc tế. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa.

3.5. Tập trung khai thác tốt các nguồn thu, hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách năm 2021. Đưa ra các giải pháp tăng thu từ những ngành, những lĩnh vực không chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Quyết liệt thực hiện các giải pháp chống thất thu. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, điều hành quản lý chi tiết kiệm. Tiếp tục cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thực hiện tốt công tác huy động vốn, đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động các tổ chức tín dụng.

3.6. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền và tinh giản biên chế. Hoàn thành đề án chuyển đổi cơ chế tự chủ về tài chính đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch sắp xếp lại các tổ chức Hội quần chúng trên địa bàn tỉnh.

3.7. Tập trung hoàn thành phê duyệt quy hoạch tỉnh và các quy hoạch lớn trọng điểm. Tổ chức lập, phê duyệt các chương trình phát triển đô thị tỉnh, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng kế hoạch phát triển đô thị. Nâng cao tỷ lệ đô thị hóa và chất lượng đô thị. Tăng cường quản lý hoạt động xây dựng, quản lý nhà ở và thị trường bất động sản. Quan tâm chỉ đạo việc trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch Khu Đại học Phố Hiến theo hướng có thể tiếp nhận các dự án công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại thân thiện với môi trường để phát huy hiệu quả sử dụng đất và phát triển kinh tế thành phố Hưng Yên.

- Xây dựng Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2021. Thực hiện tốt công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nâng cao hiệu quả công tác ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên. Quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, tài nguyên cát và tài nguyên khoáng sản.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ