Chỉ thị 1971/CT-TTg năm 2010 về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1971/CT-TTg
Ngày ban hành 27/10/2010
Ngày có hiệu lực 27/10/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1971/CT-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DÂN TỘC THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội về công tác dân tộc. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển toàn diện, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh (bình quân từ 4 - 5%/năm); đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố; nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được quan tâm giải quyết; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố một bước, đội ngũ cán bộ dân tộc được quan tâm đào tạo bồi dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân tộc.

Tuy nhiên, vùng dân tộc và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: trình độ dân trí, trình độ phát triển của các dân tộc chưa đồng đều, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực còn rất thấp; tỷ lệ đói nghèo vùng đồng bào dân tộc còn cao (nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo trên 50%); chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng chậm phát triển và chưa đồng bộ, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, thông tin và các hạ tầng cấp thiết yếu khác; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sức cạnh tranh thấp và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Công tác dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, huy động cao nhất mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và ổn định xã hội, nâng cao mức sống của đồng bào vùng dân tộc và miền núi thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện các công việc sau đây:

1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kết luận số 57-KL/TW ngày 03 tháng 11 năm 2009 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc; các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc.

2. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc và miền núi; tổng kết các chính sách, chương trình, dự án kết thúc năm 2010, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi, cho đối tượng là người dân tộc thiểu số, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án; chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn;

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến gắn với quy hoạch dân cư và quy hoạch kết cấu hạ tầng kỹ thuật; đồng thời đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao;

b) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác…) cho phù hợp với từng địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương; xây dựng các biện pháp cần thiết để tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại và kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển;

c) Tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở, cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học cho các chức danh chủ chốt cấp xã vùng dân tộc và miền núi; đồng thời có chính sách đãi ngộ về nhà ở, điều kiện làm việc cho cán bộ và sinh viên, học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đến công tác tại vùng dân tộc và miền núi, đặc biệt là chính sách thu hút đối với con em đồng bào các dân tộc tốt nghiệp và cán bộ có trình độ cao về chuyên môn về công tác tại địa phương; đổi mới hình thức đào tạo nghề, nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

d) Cùng với việc hỗ trợ của Trung ương, chủ động huy động các nguồn lực hợp pháp và tổ chức lồng ghép các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn để thực hiện đầu tư hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường chỉ đạo phối hợp giữa các ngành, các cấp bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề bức xúc của đồng bào ngay từ cơ sở, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là các địa bàn xung yếu, biên giới và hải đảo.

4. Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương:

a) Ủy ban Dân tộc rà soát, đánh giá trình độ phát triển các khu vực (I, II, III) vùng dân tộc và miền núi; nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh tiêu chí phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển; đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, chương trình, dự án nhằm phát triển toàn diện, nhanh và bền vững kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, đặc biệt đối với vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo; xây dựng chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; kiện toàn hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương; xây dựng, củng cố, hoàn thiện bộ máy, cơ sở vật chất Viện Dân tộc, Trường Cán bộ Dân tộc để làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất chính sách và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc;

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư đặc thù cho vùng dân tộc và miền núi; xúc tiến đầu tư và vận động các nước, tổ chức quốc tế giúp vùng dân tộc và miền núi, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, điện, thủy lợi và thông tin…);

c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan hướng dẫn quản lý sử dụng các nguồn vốn thực hiện chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc và miền núi; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện để đảm bảo sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn;

d) Bộ Công Thương đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến công cho các vùng dân tộc và miền núi, ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ vừa và nhỏ và phát triển công nghiệp, thương mại, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thị trường nông thôn vùng dân tộc và miền núi đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn vùng dân tộc và miền núi đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; xây dựng các cơ chế, chính sách tăng cường liên kết giữa: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông trong phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng dân tộc và miền núi; chính sách giao đất, giao và khoán rừng ổn định lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, bản để bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả, bền vững; xây dựng, đổi mới cơ chế chính sách nhằm tăng cường đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm thôn, bản; nhanh chóng thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, manh mún, phát triển kinh tế hàng hóa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và hội nhập quốc tế;

e) Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh thực hiện các đề án cải tạo hệ thống dự báo thiên tai và biến đổi khí hậu, chú trọng tập trung cho vùng thường bị ảnh hưởng của thiên tai: bão, lũ, lũ quét, lũ ống, thời tiết khắc nghiệt trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi;

g) Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ tiên tiến trong việc triển khai chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc và miền núi;

h) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a và các dự án giảm nghèo của Chính phủ; xây dựng chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động riêng cho người dân tộc thiểu số;

i) Bộ Nội vụ có giải pháp phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi; nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số ở các ngành, các địa phương, nhất là đối với cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc có số dân dưới 10.000 người; xây dựng quy chế quản lý sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp trở về phục vụ tại địa phương, chính sách đãi ngộ về tiền lương và phụ cấp cho cán bộ công tác tại vùng dân tộc và miền núi, đặc biệt đối với cán bộ làm công tác dân tộc lâu năm, cán bộ có trình độ chuyên môn cao và cán bộ luân chuyển công tác có thời gian ít nhất 5 năm tại vùng dân tộc, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn;

k) Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách cử tuyển theo hướng phân cấp cho các địa phương đăng ký nhu cầu đào tạo về số lượng và ngành nghề, áp dụng đối với tất cả các dân tộc sống ở vùng khó khăn; chính sách học liên thông giữa hệ nội trú bậc Trung học cơ sở với hệ nội trú bậc Trung học phổ thông, trường dạy nghề, cao đẳng và đại học; chính sách đặc thù đối với học sinh, sinh viên là con em đồng bào các dân tộc có số dân dưới 5.000 người ở vùng đặc biệt khó khăn;

l) Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở y tế từ tuyến xã đến phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện huyện; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn đi khám, chữa bệnh, nhất là các dân tộc có số dân dưới 5.000 người nhằm hạn chế tình trạng giảm mức sinh, mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh tại vùng dân tộc và miền núi; tăng cường nguồn nhân lực y tế cho vùng dân tộc và miền núi, đặc biệt ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn;

m) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về công tác văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh trong vùng dân tộc và miền núi;

n) Bộ Công an tăng cường các biện pháp giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá sự nghiệp phát triển đất nước; xóa bỏ tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác ở vùng dân tộc và miền núi;

o) Bộ Quốc phòng thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giúp dân xóa đói giảm nghèo, chú trọng đầu tư xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, đảm bảo an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia, nhất là các địa bàn xung yếu, khu vực biên giới, hải đảo;

p) Bộ Ngoại giao tăng cường hợp tác quốc tế, hoạt động ngoại giao nhân dân với các nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt đối với các nước trong khu vực và láng giềng; tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác dân tộc;

[...]