Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 300/NQ-HĐND năm 2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 300/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2020
Ngày có hiệu lực 09/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Xuân Ký
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 300/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 09 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 21

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 7/10/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Xét Tờ trình số 8127/TTr-UBND ngày 26/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025); Báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành với Báo cáo số 242/BC-UBND ngày 26/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh Quảng Ninh với những nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể. Tập trung phát triển nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống chính quyền địa phương các cấp trong sạch, vững mạnh; tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia. Xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Về kinh tế: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm. (2) GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD. (3) Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp - xây dựng 49 - 50%; Dịch vụ 46 - 47%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản 3 - 5%. (4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%/năm. (5) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm. (6) Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 75%. (7) Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

2.2. Về xã hội: (8) Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 87,5%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52%. (9) Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4,1%. (10) Đạt 61 giường bệnh/1 vạn dân; 15 bác sỹ/1 vạn dân; 3 dược sỹ đại học/1 vạn dân; trên 25 điều dưỡng/1 vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. (11) Tỷ lệ giảm nghèo duy trì mức giảm trung bình 0,8%/năm, trong đó mức giảm trung bình: khu vực thành thị 0,3%/năm; khu vực nông thôn 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 1%. (12) Đến hết năm 2023, có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

2.3. Về môi trường: (13) Tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị đạt 98%, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt trên 99%. (14) Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt trên 99%. Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị tập trung (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên, Đông Triều, Móng Cái, Uông Bí) đạt trên 65%. (15) Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%. Tỷ lệ các cơ sở kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường đạt 100%. (16) Giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

3.1. Tập trung thực hiện hiệu quả 03 đột phá chiến lược

a) Huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể; thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác hóa lãnh thổ

Tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách từ các thành phần kinh tế, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.

Về phát triển hạ tầng giao thông:

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình dự án có tính chất liên kết cao, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ giao thông quốc tế. Năm 2021 phấn đấu hoàn thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cầu Cửa Lục 1, 3, nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh và đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (Km 6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)... Thu hút mọi nguồn lực đầu tư, ưu tiên ngân sách tập trung sớm hoàn thành đường ven sông tốc độ cao tuyến miền Tây và các dự án hạ tầng động lực của thành phố Hạ Long kết nối vùng thấp với vùng cao, cầu và đường ra cảng Con Ong - Hòn Nét, cảng Vạn Ninh để thúc đẩy hợp tác công - tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng cảng và hậu cần sau cảng. Tiếp tục đề xuất với Trung ương đầu tư Cao tốc Nội Bài - Hạ Long, nâng cấp Quốc lộ 4B, 279 và nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân.

Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai Đề án phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để dẫn dắt, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân.

Về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông:

Chậm nhất đến năm 2023, hoàn thành xây dựng hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối, xử lý dữ liệu trên cơ sở hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kho tài nguyên số, nền tảng dữ liệu mở, có khả năng chia sẻ và tích hợp đồng bộ, liên thông, hiện đại, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh mạng. Mở rộng ứng dụng quản lý chất lượng TCVN ISO điện tử. Khẩn trương triển khai hoàn thành trước năm 2025 về kết nối chia sẻ tương tác các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, quản lý quy hoạch, tài chính, bảo hiểm và hoàn thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; là một trong những địa phương đi đầu, triển khai nhanh và có hiệu quả chuyển đổi số toàn diện với các trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh. Trong đó cần tập trung, ưu tiên nhanh chóng chuyển đổi số trước trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, giao thông - vận tải, du lịch và logistics, đất đai, tài nguyên và môi trường…

Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông. Hình thành khu công nghệ thông tin tập trung tại phường Tuần Châu, thành phố Hạ Long nhằm phát triển dịch vụ thông minh sáng tạo, tạo đòn bẩy thu hút, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực. Chú trọng thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư các dự án đầu tư hạ tầng chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh.

Về phát triển hạ tầng đô thị:

Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa với sự định hình chức năng đô thị biển và hình thái tổ chức không gian lãnh thổ “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”, gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân; chú trọng các công trình, dự án xây dựng thấp tầng, thiết kế tự nhiên, thân thiện với môi trường tại các khu du lịch ven biển. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 75%.

[...]