Nghị quyết 29/NQ-HĐND về phân bổ ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Số hiệu 29/NQ-HĐND
Ngày ban hành 15/07/2022
Ngày có hiệu lực 15/07/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Triệu Đình Lê
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/NQ-HĐND

Cao Bằng, ngày 15 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÂN BỔ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022 THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1014/QĐ-BTC ngày 10 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán bổ sung có mục tiêu kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2022 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Quyết định số 1062/QĐ-BTC ngày 10 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán bổ sung có mục tiêu kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2022 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 25 ngày 5 tháng 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành quy định, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 25 tháng 5 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 25 tháng 5 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 1746/TTr-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng dự thảo Nghị quyết về việc phân bổ ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phân bổ ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là 1.648.301 triệu đồng, cụ thể như sau:

1. Vốn ngân sách trung ương: 1.646.101 triệu đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển 1.235.118 triệu đồng; vốn sự nghiệp 410.983 triệu đồng, gồm:

1.1. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 814.085 triệu đồng.

a) Vốn đầu tư phát triển: 515.722 triệu đồng, gồm:

- Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt 69.490 triệu đồng (Nhà ở 22.000 triệu đồng; Đất ở 1.920 triệu đồng; Đất sản xuất 6.570 triệu đồng; Nước sinh hoạt tập trung 39.000 triệu đồng).

- Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết 29.345 triệu đồng.

- Dự án 3, tiểu dự án 2: Đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 500 triệu đồng, phân bổ cho huyện Nguyên Bình thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án.

- Dự án 4, tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc 343.769 triệu đồng. Trong đó: Đầu tư xã đặc biệt khó khăn 210.752 triệu đồng, xóm đặc biệt khó khăn 10.036 triệu đồng, Chợ xã 7.900 triệu đồng, trạm Y tế xã 31.881 triệu đồng; Đường giao thông liên xã (cứng hóa) 83.200 triệu đồng.

- Dự án 5, tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số: 34.560 triệu đồng.

- Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch: 11.382 triệu đồng.

- Dự án 9, tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn 16.066 triệu đồng (Bảo Lạc 8.925 triệu đồng, Bảo Lâm 7.141 triệu đồng).

- Dự án 10, tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 10.610 triệu đồng.

b) Vốn sự nghiệp: 298.363 triệu đồng.

+ Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: 10.701 triệu đồng.

+ Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị 144.724 triệu đồng.

[...]