Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 05/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 05/KH-UBND
Ngày ban hành 13/01/2021
Ngày có hiệu lực 13/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 13 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01/01/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước và trong tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn lực còn hạn hẹp trong khi phải đáp ứng cùng lúc yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, tạo sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao. Xác định nhiệm vụ trọng tâm của các cấp từ tỉnh đến cơ sở phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh; phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

2. Yêu cầu

Triển khai Kế hoạch phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung của Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các ngành, các cấp. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự giám sát của nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn tỉnh để thực hiện thành công Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành, đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc triển khai thực hiện.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

Thống nhất và triển khai thực hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2021: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển".

1. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ công tác tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; chuẩn bị, ban hành và triển khai ngay các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh

a) Triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác trong việc tổ chức bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

b) Xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh.

c) Xây dựng, triển khai quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhất là 03 khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

2. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

a) Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh. Thực hiện nghiêm chiến lược kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, quyết tâm giữ vững mục tiêu không để dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh.

b) Chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời (trong đó có các giải pháp tín dụng, tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch,…

3. Tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 khâu đột phá

3.1. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng nông thôn mới

Ban hành và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức liên kết xây dựng cánh đồng lớn gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở những nơi có điều kiện. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đảm bảo hiệu quả và an ninh lương thực; có giải pháp đẩy mạnh tái đàn lợn, mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường. Quản lý chặt chẽ các tiêu chuẩn về giống cây trồng lâm nghiệp; chuẩn bị các điều kiện đảm bảo trồng rừng, khai thác gỗ rừng trồng theo kế hoạch; duy trì và mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch “Mỗi xã một sản phẩm”; "Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu” “Bộ tiêu chí vườn mẫu nông thôn mới”. Phấn đấu đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó: duy trì, giữ vững 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới). Triển khai thực hiện kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.2. Phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển du lịch; triển khai thực hiện Đề án du lịch thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch. Phát huy các sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt, có khả năng cạnh tranh cao. Ban hành và thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch nội địa. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; chú trọng hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch, tham gia xúc tiến, quảng bá về du lịch tỉnh Tuyên Quang. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch quan trọng như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình, Khu danh thắng quốc gia Na Hang - Lâm Bình. Tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh, nhất là các dự án có quy mô lớn, khách sạn, khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp,...

3.3. Quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin

Thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và đảm bảo hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tiến độ thi công các công trình dự án ngay từ đầu năm... Tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tiếp tục huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; Đề án thu hút các nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin; Đề án bê tông hoá đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021- 2025. Khởi công và đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn và các công trình giao thông trọng điểm. Quan tâm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, nước sạch, hệ thống xử lý nước thải; mở rộng, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện tới các vùng nông thôn, đảm bảo cung ứng nguồn điện ổn định, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt và chống thất thoát điện; các công trình hạ tầng văn hóa - xã hội, như trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà văn hóa,… Phát triển phù hợp hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng khó khăn để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025, kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Lập Đề án xây dựng trung tâm thành phố Tuyên Quang theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình, thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn khi có văn bản của cấp có thẩm quyền. Xây dựng Đề án đề nghị công nhận các thị trấn thuộc huyện huyện Sơn Dương, Na Hang theo tiêu chí đô thị loại IV.

Xây dựng hệ thống thông tin điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền điện tử. Từng bước xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối thông minh, Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ số và truyền thông, nền tảng dùng chung.

[...]