Nghị quyết 23/2022/NQ-HĐND quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Số hiệu 23/2022/NQ-HĐND
Ngày ban hành 31/05/2022
Ngày có hiệu lực 10/06/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Đăng Quang
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2022/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 31 tháng 5 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ, ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG VÀ TỶ LỆ VỐN ĐỐI ỨNG CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 79/TTr-UBND ngày 11/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với các nội dung và phụ lục kèm theo như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh

Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Quảng Trị là căn cứ để lập kế hoạch giai đoạn, hàng năm nguồn ngân sách nhà nước của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) cho các cấp, các ngành, địa phương và đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

b) Đối lượng áp dụng

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị cấp tỉnh (gọi tắt là sở, ngành); các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là các huyện); các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là các xã) và các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện Chương trình.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến việc lập, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình.

2. Nguyên tắc phân bổ vốn

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định liên quan.

b) Bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các sở, ngành và địa phương.

c) Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đề ra; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

d) Việc phân bổ cụ thể ngân sách nhà nước và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương phải phù hợp với tình hình thực tế, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; mục tiêu, nhiệm vụ, dự kiến kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, kết quả thực hiện đầu tư công năm trước.

đ) Không phân bổ vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên.

e) Đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn liên huyện (liên vùng) thì phân bổ vốn cho các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh chủ trì thực hiện. Đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 01 huyện (liên xã) thì phân bổ vốn cho huyện chủ trì thực hiện.

f) Các địa phương không bố trí đủ vốn đối ứng trong năm kế hoạch theo quy định, khi phân bổ kế hoạch năm sau, ngân sách tỉnh sẽ trừ tương ứng với số vốn đối ứng còn thiếu của địa phương.

3. Quy định chung về tiêu chí phân bổ vốn

a) Quy mô dân số, hộ nghèo, hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo của các huyện để tính hệ số được xác định căn cứ vào quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.

[...]