Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 về việc Đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 228/1999/NQ-UBTVQH10
Ngày ban hành 27/10/1999
Ngày có hiệu lực 15/11/1999
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 228/1999/NQ-UBTVQH10

Hà Nộingày 27 tháng 10 năm 1999

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TIẾP CÔNG DÂN, TIẾP NHẬN, CHUYỂN ĐƠN, ĐÔN ĐỐC, THEO DÕI VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG DÂN

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; góp phần thúc đẩy việc giải quyết của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân;
Căn cứ vào Điều 93 và Điều 97 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Điều 6 và Điều 44 của Luật tổ chức Quốc hội;

QUYẾT ĐỊNH:

I. ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TIẾP CÔNG DÂN

1. Đại biểu Quốc hội tiếp công dân nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng, phản ánh của công dân; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo và nhận đơn, thư của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Đại biểu Quốc hội tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội bố trí và theo sự phân công của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp công dân. Danh sách, kế hoạch thời gian tiếp công dân của đại biểu Quốc hội được niêm yết tại nơi tiếp công dân, đồng thời thông báo cho đại biểu Quốc hội trước 7 ngày. Nếu có lý do không tiếp được, đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng đoàn trước 3 ngày để cử người khác thay thế.

3. Khi công dân có yêu cầu gặp đại biểu Quốc hội để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thì đại biểu Quốc hội tạo điều kiện thuận lợi để tiếp công dân; nếu chưa thể tiếp công dân được thì đại biểu Quốc hội nhận đơn hoặc hẹn tiếp công dân vào thời gian thích hợp.

Trong thời gian Quốc hội họp, khi cần thiết, theo đề nghị của Văn phòng Quốc hội và được Chủ tịch Quốc hội đồng ý, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp hoặc phân công đại biểu Quốc hội trong đoàn tiếp công dân của địa phương mình đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.

4. Khi tiếp công dân, đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến nguyện vọng của công dân, giải thích, tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật và hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu công dân cung cấp các tài liệu có liên quan đến những nội dung đã trình bày.

Trường hợp có nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về cùng một nội dung thì đại biểu Quốc hội yêu cầu cử người đại diện để trình bày.

5. Đại biểu Quốc hội không tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị khi công dân vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

II. ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TIẾP NHẬN Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG DÂN

1. Khi nhận được ý kiến, kiến nghị của công dân, đại biểu Quốc hội xem xét, phản ánh hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, cụ thể như sau:

a. Những ý kiến, kiến nghị của công dân thuộc thẩm quyền xem xét và giải quyết của cơ quan, tổ chức ở địa phương thì phản ánh hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức địa phương;

b. Những ý kiến, kiến nghị của công dân thuộc thẩm quyền xem xét và giải quyết của Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức nào thì phản ánh hoặc chuyển đến Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức đó;

c. Những ý kiến, kiến nghị của công dân thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì phản ảnh hoặc chuyển đến Chính phủ xem xét;

d. Những ý kiến, kiến nghị của công dân liên quan đến sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng luật, pháp lệnh thì phản ảnh hoặc chuyển đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét.

2. Đại biểu Quốc hội phản ánh những ý kiến, kiến nghị của công dân nêu ở điểm 1 phần này với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để tổng hợp báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

III. ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TIẾP NHẬN, CHUYỂN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ ĐÔN ĐỐC, THEO DÕI VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN:

1. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội nghiên cứu, chuyển khiếu nại, tố cáo đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết, cụ thể như sau:

a. Những khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước được chuyển theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo;

b. Những khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc giải quyết các vụ án và thi hành án được chuyển cho các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật;

c. Những khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được chuyển đến tổ chức đó.

2. Trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo của công dân có ghi gửi đến tất cả đại biểu Quốc hội thì Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội nơi công dân cư trú chuyển khiếu nại, tố cáo đó đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

[...]