Nghị quyết 21/2013/NQ-HĐND công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu | 21/2013/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 06/12/2013 |
Ngày có hiệu lực | 16/12/2013 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Nguyễn Thành Phong |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2013/NQ-HĐND |
Bến Tre, ngày 06 tháng 12 năm 2013 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG GIAI ĐOẠN 2014-2016 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 04 tháng 8 năm 2007 và ngày 23 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;
Sau khi nghe Ủy ban nhân dân tỉnh trình bày Tờ trình số 5420/TTr-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2013 về việc xin thông qua dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu:
- Ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, loại bỏ điều kiện phát sinh tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, thuế, quản lý sử dụng vốn, tài sản công, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước, công tác cán bộ, quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp và nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
2. Nhiệm vụ và giải pháp:
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng các giải pháp phòng ngừa là chính;
- Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, công khai, minh bạch nhất là trong các lĩnh vực mà mục tiêu đã đề ra;
- Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, địa phương phải xem công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; phải thật sự gương mẫu về đạo đức, lối sống; không tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng;
- Thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao năng lực, phát huy tốt vai trò của các cơ quan tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng;
- Thực hiện nghiêm quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức hàng năm;
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, trong đó chú trọng thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phát hiện, xử lý tham nhũng. Qua hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, có phát hiện tham nhũng phải được xử lý kịp thời;
- Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng, nhằm giáo dục, răn đe, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng;
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể các cấp trong việc giám sát thực hiện nhiệm vụ, thi hành công vụ của cán bộ, công chức, nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; khuyến khích sự tham gia của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, xây dựng cơ chế khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng một cách phù hợp, để thật sự động viên mọi người tham gia tố cáo tham nhũng;
- Phát huy vai trò của cơ quan thông tin, báo chí, phát thanh và truyền hình thông qua công tác tuyên truyền, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống tham nhũng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết này.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VIII - kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2013 và có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.