Nghị quyết 1803 (XVII) ngày 14/12/1962 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về "chủ quyền vĩnh viễn đối với tài nguyên thiên nhiên"

Số hiệu 1803/NQ
Ngày ban hành 14/12/1962
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Liên hợp quốc
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

NGHỊ QUYẾT 1803 (XVII) NGÀY 14/12/1962 CỦA ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HỢP QUỐC VỀ “CHỦ QUYỀN VĨNH VIỄN ĐỐI VỚI TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN“

Đại Hội đồng,

Nhắc lại các Nghị quyết 523 (VI) ngày 12-1/1952 và 626 (VII) ngày 21/12/1952 của Đại Hội đồng,

Ghi nhớ, trong Nghị quyết 1314 (XIII) ngày 12/12/1958, Đại Hội đồng đã thành lập Ủy ban về chủ quyền vĩnh viễn đối với tài nguyên thiên nhiên và hướng dẫn Ủy ban tiến hành một cuộc khảo sát toàn diện về thực trạng chủ quyền vĩnh viễn đối với tài nguyên thiên nhiên, một phần cấu thành cơ bản của quyền tự quyết, với những khuyến nghị trong trường hợp cần thiết, tiến hành khảo sát toàn diện về thực trạng chủ quyền vĩnh viễn của các dân tộc và quốc gia đối với tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản của mình, và cần quan tâm thỏa đáng đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia theo quy định của luật quốc tế, và chú trọng khuyến khích sự hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế của các nước đang phát triển.

Ghi nhớ Nghị quyết 1515 (XV) ngày 15/12/1960, trong đó Đại Hội đồng khuyến nghị rằng quyền chủ quyền của mỗi quốc gia được khai thác tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản của mình cần phải được tôn trọng,

Xét rằng, mọi biện pháp trong vấn đề này cần dựa trên cơ sở công nhận quyền bất khả xâm phạm của tất cả các quốc gia được tự do khai thác tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản của mình phù hợp với lợi ích quốc gia và tôn trọng độc lập về kinh tế của các quốc gia,

Xét rằng, toàn bộ điểm 4 dưới đây không ảnh hưởng dưới bất kỳ hình thức nào đến lập trường của các Quốc gia thành viên đối với mọi khía cạnh của vấn đề quyền và nghĩa vụ của các quốc gia và chính phủ được tiếp quản tài sản thu được trước khi giành được chủ quyền hoàn toàn ở những nước dưới chế độ thuộc địa trước đây,

Lưu ý rằng, vấn đề tiếp quản của các quốc gia và chính phủ đang được Ủy ban Luật pháp quốc tế xem xét như là một vấn đề ưu tiên,

Xét rằng, cần thúc đẩy sự hợp tác quốc tế nhằm phát triển kinh tế của các nước đang phát triển, và rằng, các hiệp định về kinh tế và tài chính được ký kết giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển cần phải được dựa trên những nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc và quốc gia,

Xét rằng, việc thực hiện trợ giúp kỹ thuật và kinh tế, cung cấp các khoản vay và tăng đầu tư nước ngoài không phải phụ thuộc vào điều kiện trái với lợi ích của các quốc gia tiếp nhận.

Xét những lợi ích mang lại từ việc trao đổi thông tin khoa học và kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, và vai trò quan trọng của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác trong vấn đề này,

Chú trọng đặc biệt đến vấn đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển, và bảo đảm sự độc lập về kinh tế của những nước này,

Lưu ý rằng, sự thành lập và tăng cường chủ quyền vĩnh viễn của các quốc gia đối với tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản sẽ củng cố sự độc lập về kinh tế của những nước này.

Mong muốn rằng Liên Hợp Quốc cần tiếp tục xem xét về vấn đề chủ quyền vĩnh viễn đối với tài nguyên thiên nhiên trên tinh thần hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển kinh tế, đặc biệt là sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển,

Tuyên bố rằng,

1. Quyền của các quốc gia và dân tộc về chủ quyền vĩnh viễn đối với tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản phải được thực hiện vì lợi ích phát triển của quốc gia, sự phồn vinh của nhân dân các quốc gia đó.

2. Việc thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên đó, cũng như việc nhập vốn nước ngoài cần thiết cho những mục đích này cần phù hợp với những quy định và điều kiện mà các quốc gia và dân tộc tự do xét thấy là cần thiết hoặc có nhu cầu, liên quan tới thẩm quyền, sự hạn chế hay ngăn cấm những hoạt động như vậy.

3. Trong trường hợp được phép, vốn được nhập và thu nhập từ nguồn vốn đó sẽ do các quy định của pháp luật quốc gia hiện hành và pháp luật quốc tế điều chỉnh. Lợi nhuận thu được, trong từng trường hợp, phải được chia theo tỷ lệ tự do thỏa thuận giữa các nhà đầu tư với quốc gia tiếp nhận. Cần có sự quan tâm thỏa đáng nhằm đảm bảo rằng không có bất kỳ sự xâm phạm nào, vì bất kỳ lý do gì, tới chủ quyền của quốc gia đó về tài nguyên thiên nhiên.

4. Việc quốc hữu hóa, sung công hay trưng dụng cần dựa trên những cơ sở thực tế hoặc lý do sử dụng vào mục đích công, an ninh hoặc lợi ích quốc gia được xem là quan trọng hơn lợi ích cá nhân hoặc tư nhân, cả đối với đối tượng trong nước và nước ngoài. Trong những trường hợp như vậy, người sở hữu sẽ được bồi thường thỏa đáng, phù hợp với những quy định hiện hành ở quốc gia áp dụng các biện pháp trên nhằm thực hiện chủ quyền quốc gia và phù hợp với luật quốc tế. Trong những trường hợp có tranh cãi về vấn đề bồi thường thì phải dùng đến mọi khả năng có thể để giải quyết theo thủ tục tại tòa án ở các quốc gia đã áp dụng các biện pháp này. Tuy nhiên, trên cơ sở thỏa thuận của các quốc gia có chủ quyền và các bên liên quan. việc giải quyết tranh chấp cần được tiến hành qua trọng tài hoặc tòa án quốc tế.

5. Việc thực hiện chủ quyền tự do và có lợi của các dân tộc và quốc gia đối với tài nguyên thiên nhiên phải được đảm bảo thực hiện hơn nữa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia về bình đẳng chủ quyền.

6. Hợp tác quốc tế vì mục đích phát triển kinh tế của các nước đang phát triển, cho dù dưới hình thức đầu tư tư bản công hay tư, trao đổi hàng hóa và dịch vụ, trợ giúp kỹ thuật, hay trao đổi thông tin khoa học, sẽ nhằm đảm bảo hơn nữa sự phát triển đất nước một cách độc lập của các quốc gia này và cần dựa trên sự tôn trọng về chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản của các quốc gia này.

7. Việc vi phạm quyền của các dân tộc và quốc gia có chủ quyền vĩnh viễn đối với tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản là trái với tinh thần và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, và cản trở sự phát triển hợp tác quốc tế và gìn giữ hòa bình.

8. Các hiệp định về đầu tư nước ngoài được ký kết một cách tự nguyện bởi hoặc giữa các quốc gia có chủ quyền cần được thực hiện với thiện chí hữu nghị; các quốc gia và các tổ chức quốc tế cần nghiêm túc và có ý thức tôn trọng chủ quyền vĩnh viễn của các dân tộc và quốc gia đối với tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản của họ, phù hợp với Hiến chương và các nguyên tắc được quy định trong Nghị quyết này.