Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2013 về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2013 - 2020

Số hiệu 17/NQ-HĐND
Ngày ban hành 31/07/2013
Ngày có hiệu lực 10/08/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Lê Hữu Phúc
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2013/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 31 tháng 7 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẦU TƯ, BẢO TỒN, TÔN TẠO, CHỐNG XUỐNG CẤP HỆ THỐNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA TỈNH QUẢNG TRỊ, GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

HỘI ĐỔNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29 tháng 10 năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa;

Xét Tờ trình số 2209/TTr-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2013 của UBND tỉnh kèm theo Đề án số 2209/ĐA-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2013 về đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2013 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua việc đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2013 - 2020, với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích và nguy cơ mất mát, hư hỏng của di tích. Nâng cao tính bền vững, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của hệ thống di sản này.

Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống di tích trên địa bàn, thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, lưu giữ truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc. Tạo ra những sản phẩm đặc thù có giá trị lịch sử văn hóa giáo dục truyền thống, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của các tầng lớp nhân dân và phát triển du lịch.

Huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và toàn xã hội để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, nâng cao lòng tự hào dân tộc, giới thiệu quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Quảng Trị, kết hợp với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến 2015, 100% di tích của tỉnh được kiểm kê, hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới khoanh vùng bảo vệ và được cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất;

- Đến 2020, 100% di tích cấp tỉnh hoàn thành việc xây dựng bia, biển;

- Đến 2020, 100% di tích quốc gia đã phân cấp cho các huyện, thị, thành phố quản lý, khai thác sử dụng và một số di tích cấp tỉnh tiêu biểu được đầu tư phục dựng, tôn tạo;

- Hoàn thành việc quy hoạch, đầu tu tôn tạo các hạng mục còn lại của các di tích quan trọng như: Thành Cổ Quảng Trị, Nhà đày Lao Bảo, Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Căn cứ Dốc Miếu và Hàng rào điện tử Mc. Namara;

- Tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh, nâng hạng các di tích cấp tỉnh có đủ tiêu chí lên di tích quốc gia. Đến năm 2014 hoàn thành 04 hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt: Thành Cổ Quảng Trị và các di tích liên quan sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về đầu tư và cơ chế thực hiện

a) Các di tích cấp Quốc gia:

- Các di tích quốc gia tiêu biểu (gồm 10 di tích): trong đó có 06 di tích tiếp tục đầu tư là: Thành Cổ Quảng Trị, Nhà đày Lao Bảo, Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Căn cứ Dốc Miếu và Hàng rào điện tử Mc. Namara; và 04 di tích đầu tư mới là: cảng Quân sự Đông Hà, các điểm vượt Đường 9 của hệ thống đường Hồ Chí Minh, địa điểm xuất phát đường dây 559, địa điểm trận địa tên lửa bắn rơi máy bay B52 đầu tiên ở Việt Nam: thực hiện lập dự án “Quy hoạch tổng thể đầu tư tôn tạo hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2014 - 2020" trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bố trí ngân sách Trung ương kết hợp với ngân sách đối ứng của tỉnh và xã hội hóa để đầu tư.

- Các di tích quốc gia khác (gồm 13 di tích) đã được phân cấp cho UBND huyện, thị, thành phố trực tiếp quản lý, thực hiện huy động nguồn vốn từ dự án chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các nguồn hỗ trợ khác của Trung ương được phân bổ hàng năm cho tỉnh và nguồn đối ứng từ ngân sách tỉnh, theo tỷ lệ: 50/50.

b) Các di tích cấp tỉnh:

[...]