Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2018 về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 17/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/07/2018
Ngày có hiệu lực 12/07/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Văn Thành
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 12 tháng 07 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30/6/1989;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030”;

Xét Tờ trình số 74/TTr-UBND ngày 18/6/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thông qua Đề án về “Nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND thành phố tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án số 3657/ĐA-UBND ngày 18/6/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về “Nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” (có Đề án và phụ lục kèm theo) với một số nội dung chủ yếu như sau:

I. NHIỆM VỤ

1. Nhiệm vụ đến năm 2020

- Phấn đấu thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan trong Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, toàn diện trên các mặt về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp, kiến thức hiểu biết và thực hành về an toàn thực phẩm của các nhóm đối tượng. Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và các đối tượng kinh doanh dịch vụ liên quan có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm.

- Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và tổ chức, thực hiện phân tích một số nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, duy trì Phòng Kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025.

- Cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, thực hành vệ sinh tốt, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm. Các cơ sở dịch vụ phục vụ chế biến thủy sản; thu mua nguyên liệu; sơ chế nông, lâm, thủy sản đạt quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, quy phạm vệ sinh chuẩn.

- Thực phẩm lưu thông trên thị trường cơ bản được kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng. Xây dựng và phát triển “chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”, phấn đấu tổng sản lượng sản phẩm, thực phẩm tham gia “chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” đạt 50% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm cùng loại trên địa bàn.

- Hình thành hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm; chủ động giám sát mối nguy, ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính; hạn chế tới mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm.

2. Nhiệm vụ đến năm 2030

Kiểm soát hiệu quả an toàn thực phẩm, cơ bản không để xảy ra mất an toàn thực phẩm, thực hiện kiểm soát theo chuỗi; 100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm; 100% cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đạt điều kiện an toàn thực phẩm.

3. Một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 và năm 2030

(Có phụ lục kèm theo)

II. GIẢI PHÁP

1. Nhóm giải pháp về chỉ đạo điều hành

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; giao trách nhiệm và đưa các chỉ tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- HĐND các cấp ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của HĐND các cấp đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

[...]