ỦY
BAN NHÂN DÂN -
ỦY BAN MTTQ
TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 295/KH-UBND-MTTQ
|
Hà
Giang, ngày 29 tháng 11 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
PHỐI HỢP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH VỀ VẬN ĐỘNG VÀ GIÁM SÁT BẢO ĐẢM AN TOÀN
THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2016- 2020
Thực hiện Chương trình số
90/CTrPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 30/3/2016 của Chính phủ và
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về Chương trình phối
hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch
số 271/KH-MTTW-BTT, ngày 30/8/2016 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam về thực hiện Chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm 2
năm 2016-2017;
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
Cụ thể hóa nhiệm vụ của Ban Thường trực
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc
trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp
trong việc thực hiện nhiệm vụ đã được ghi trong Chương trình phối hợp 90.
Tổ chức vận động toàn xã hội trong việc
nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức,
doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn
hóa.
Tạo dư luận xã hội mạnh mẽ cổ vũ, biểu
dương và tổ chức nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến
trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Đặc biệt vận động nhân dân, cơ sở sản
xuất, kinh doanh nói không với thực phẩm bẩn, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền,
các cơ quan chức năng khi phát hiện có cơ sở, người dân kinh doanh thực phẩm bẩn
để xử lý.
2. Yêu cầu
Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh,
các ngành chức năng tổ chức thực hiện việc vận động, giám sát bảo đảm an toàn
thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên các cấp của
Mặt trận và chính quyền, các cơ quan chức năng các cấp vận động toàn dân thực
hiện bảo đảm an toàn thực phẩm là một nội dung trọng tâm của cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tổ chức ký cam kết
với các hộ gia đình, hộ nông dân sản xuất, hộ kinh doanh... bảo đảm về an toàn
thực phẩm mới được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Việc tổ chức tuyên truyền, vận động
và giám sát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng
bộ giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên các cấp với Chính quyền, các
cơ quan chức năng các cấp có những biện pháp, phương thức tổ chức phù hợp với
chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị phối hợp. Định kỳ tổ
chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng các tập thể, cá
nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vận động và giám sát.
Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả
công tác thanh, kiểm tra của cơ quan Nhà nước về thực hiện pháp luật an toàn thực
phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược Quốc gia về an
toàn thực phẩm, giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn 2030 mà Chỉ thị số 13/CT-TTg,
ngày 09-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ.
3. Mục tiêu phấn đấu
+ Năm 2016:
Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Ban
Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện
Chương trình phối hợp 90 trong 2 năm 2016 - 2017 và giai đoạn 2016 - 2020.
+ Năm 2017-2018:
- Hàng năm 100% các khu dân cư; các
xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cơ sở) tổ chức các hoạt động tuyên
truyền, vận động và kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Có
trách nhiệm thông báo tới cơ quan chức năng khi phát hiện có hộ gia đình, cơ sở
sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo vệ sinh
để xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật.
- Vận động ít nhất 70% số hộ sản xuất
nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm và 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp
sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm
bảo đảm an toàn.
- Đối với các hộ gia đình sản xuất,
kinh doanh nông sản, thực phẩm phải đạt tiêu chí về bảo đảm an toàn thực phẩm mới
đủ điều kiện xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Đối với cấp xã khi được
xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh phải đạt được các tiêu
chí về an toàn thực phẩm.
+ Năm 2019-2020:
- Hàng năm 100% số khu dân cư, cấp xã
tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát về công tác vệ
sinh an toàn thực phẩm.
- Vận động ít nhất từ 90% trở lên số
hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm ký cam kết; 80% trở lên
số hộ được công nhận sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã,
doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là cơ sở sản
xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.
- Đối với các hộ gia đình sản xuất,
kinh doanh nông sản, thực phẩm phải đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm mới đủ điều
kiện xét công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đối với cấp xã khi được xét
công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh phải đạt được các tiêu chí về
an toàn thực phẩm.
* Tất cả các vi phạm về kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ
nguồn gốc sẽ được các cấp, ngành xử lý theo quy định
của pháp luật.
II. NHIỆM VỤ CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC
CẤP
- Chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp 90 giai đoạn
2016 - 2020; trọng tâm thực hiện từ năm 2017 - 2020 theo Kế hoạch phối hợp của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh. Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo
Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường
trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Thời
gian hoàn thành Quý IV/2016.
- Các huyện, thành phố và cơ sở thực
hiện nghiêm Kế hoạch phối hợp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc tỉnh về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương; gắn với đẩy mạnh
các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính, xử lý hình sự trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn.
- Hàng năm bố trí kinh phí và bảo đảm
các điều kiện cho việc tuyên truyền, giám sát và thực hiện các nội dung mà Kế
hoạch phối hợp về an toàn thực phẩm đến cấp xã và khu dân cư.
III. NỘI DUNG PHỐI HỢP VÀ GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN
1. Đẩy mạnh công
tác truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm
- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo
các cơ quan báo chí của tỉnh phối hợp với các ngành: Y tế, Nông nghiệp và phát
triển nông thôn, Công thương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và
các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh tăng cường đưa tin, đăng bài,
mở chuyên mục, chuyên trang, chương
trình về an toàn thực phẩm; thông tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp
thời về an toàn thực phẩm, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, kinh doanh
thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã chủ
trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận
Tổ quốc cùng cấp xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động chấp
hành pháp luật và trách nhiệm của công dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc
bảo đảm an toàn thực phẩm. Vận động, hướng dẫn các hợp tác xã, các doanh nghiệp
sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm đăng kí, cam kết
sản xuất thực phẩm an toàn.
- Tại khu dân cư: Trưởng Ban Công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức tuyên
truyền, phổ biến pháp luật an toàn thực phẩm và vận động
các hộ nông dân, các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ đăng kí, cam kết sản xuất,
kinh doanh thực phẩm an toàn.
2. Xây dựng và
nhân rộng các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn
- Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và phát
triển nông thôn, Công thương cung cấp tài liệu và hỗ trợ điều kiện kỹ thuật để Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp
xây dựng và phát triển các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh
doanh thực phẩm an toàn.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp
xã chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội
Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh) vận động các hộ nông
dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
- Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh phối
hợp với Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn các HTX nông nghiệp đăng kí, cam kết
sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
3. Tổ chức giám
sát chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh,
huyện, xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc chủ trì thực hiện
a) Đối tượng và nội dung giám sát
- Các hộ nông dân, các cơ sở, hợp tác
xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Hoạt động của các cơ quan quản lý
nhà nước và các đơn vị sự nghiệp về an toàn thực phẩm.
b) Giám sát của cấp tỉnh:
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức thành viên tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên
quan tổ chức đoàn giám sát đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước ở
cấp huyện, xã về an toàn thực phẩm và một số chợ thực phẩm và
doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp
với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức
giám sát một số hợp tác xã sản xuất kinh doanh thực phẩm.
c) Giám sát của cấp huyện, xã và khu
dân cư:
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp
huyện chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân cấp
huyện tổ chức đoàn giám sát các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm
trên địa bàn cấp huyện.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp
xã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân cấp
xã thực hiện giám sát các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh
thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn cấp xã.
- Trưởng Ban Công tác Mặt trận chủ
trì, phối hợp với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phổ và Trưởng các Chi hội,
Chi đoàn của các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức hình thức tiếp nhận thông
tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của nhân dân đối với hành vi vi phạm an toàn
thực phẩm của các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp, hợp
tác xã sản xuất nông nghiệp và chế biến, kinh doanh thực phẩm ở cộng đồng dân
cư, chuyển đến Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Liên minh
Hợp tác xã tỉnh.
4. Phối hợp trong
công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm
- Ủy ban nhân dân các cấp và các Sở,
ngành có thẩm quyền khi công bố kết luận thanh tra, kiểm
tra theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm có trách nhiệm gửi một bản
sao đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để tuyên truyền những trường
hợp chấp hành tốt hoặc giám sát việc thực hiện sau kết luận đã công bố.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
các cấp và các tổ chức thành viên có trách nhiệm cử đại diện tham gia đoàn kiểm
tra về an toàn thực phẩm theo đề nghị của các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Công thương hoặc chính quyền cùng cấp.
5. Tổ chức tiếp
nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của nhân dân đối với
hành vi vi phạm an toàn thực phẩm
- Báo cáo kết quả
giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
tỉnh, huyện, xã phải được gửi đến các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Công thương và Ủy ban nhân dân cùng cấp để xem xét, xử lý theo quy định của
pháp luật.
- Ủy ban nhân dân cấp xã và Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xử lý và chuyển các phản ánh, kiến nghị và phát giác
của nhân dân về vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm ở các
khu dân cư đến các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương
và UBND cùng cấp để xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Sơ kết, tổng kết
việc thực hiện Kế hoạch phối hợp
- Quý II năm 2017, Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở: Y tế,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tổ chức giao ban, đánh giá tiến
độ, kết quả thực hiện Kế hoạch phối hợp này. Ở cấp huyện và xã Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ
chức giao ban hàng quý để đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch phối hợp
này.
- Hằng năm, Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban
Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức tốt Tháng
hành động “An toàn thực phẩm” từ ngày 15/4 đến 15/5 ở các cấp để biểu dương,
tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh thực
phẩm.
- Báo cáo công tác 6 tháng và hàng
năm của Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện, xã phải có nội dung
đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch này.
IV. PHÂN CÔNG
TRÁCH NHIỆM
1. Sở Y tế: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân
dân tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp này.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn: Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực
hiện Kế hoạch phối hợp này. Trên cơ sở kết quả giám sát, kiến nghị của Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc tỉnh, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về
công tác quản lý an toàn thực phẩm bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tế sản xuất,
chế biến kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
3. Sở Công thương: Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện Kế hoạch phối hợp này; đồng thời
tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo lực lượng chuyên ngành tại các cửa khẩu
biên giới tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
qua biên giới.
4. Sở Tài chính: Hằng năm trên cơ sở dự toán của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tham mưu
cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí và hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện
Kế hoạch phối hợp này.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
a) Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với các Sở: Y tế, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Công thương, Thông tin và Truyền thông và các đơn vị
liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch phối hợp này.
b) Trong năm 2016 và 2017, Ban Thường
trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh chọn thành phố Hà Giang và 02 huyện Vị Xuyên
và Bắc Quang để làm điểm; các huyện còn lại chọn 2 - 3 xã làm điểm.
Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của
tỉnh./.
TM. BAN THƯỜNG
TRỰC
ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC TỈNH
PHÓ CHỦ TỊCH
Triệu Quốc Lương
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Đức Quý
|
Nơi nhận:
- BTT Ủy ban Trung ương
MTTQ Việt Nam;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy-HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các ngành: Y tế; Nông nghiệp&PTNT; Công thương;
Tài chính;
- Các tổ chức thành viên MTTQ tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, MTTQ, TH, KT, NN, KGVX.
|
|