Nghị quyết 155/NQ-HĐND năm 2023 về giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 155/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/07/2023
Ngày có hiệu lực 12/07/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Xuân Ký
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 155/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 12 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, HỘ KINH DOANH NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Căn cứ Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025;

Xét Tờ trình số 1623/TTr-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 82/BC-HĐND ngày 03 tháng 7 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận thống nhất của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua mục tiêu và một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025 với nhũng nội dung cơ bản sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, coi việc tháo gỡ khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nhanh, bền vững và hoàn thành các chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV.

2. Mục tiêu cụ thể:

- 100% các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp quy định của pháp luật và thuộc thẩm quyền của tỉnh (bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) được giải quyết kịp thời; giảm thiểu tối đa, chi phí thời gian, chi phí tiêu hao và các khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

- 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và được đáp ứng hạ tầng thông tin để sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 350 doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số.

- 100% các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được cung cấp thông tin đầy đủ dễ tiếp cận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các giải pháp tiếp cận đất đai cho sản xuất, kinh doanh.

- 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thương hiệu và hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm thương hiệu doanh nghiệp khi có nhu cầu.

- 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu được hỗ trợ tuyển dụng lao động và hỗ trợ đào tạo lao động.

- 100% các cơ chế chính sách, ưu đãi về tín dụng được thông tin rộng rãi đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, thành viên hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, giải quyết kịp thời nhanh chóng, hiệu quả.

- 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cung cấp thông tin thị trường; được hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và kết nối tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu khi đủ điều kiện và có nhu cầu.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Nắm bắt và giải quyết kịp thời có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh

- Tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất giữa lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua nhiều hình thức khác nhau. Tổng hợp kịp thời các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý (về đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, phòng cháy chữa cháy, nguồn nhân lực chất lượng cao, vốn, thị trường...) để giải quyết và xử lý dứt điểm hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

- Thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác tham mưu, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

- Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cán bộ, công chức nghiệp vụ các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đầu tư, cấp phép xây dựng v.v... trong triển khai thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; duy trì, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR- INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI).

- Thực hiện tốt công tác lập, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển, phù hợp với quy hoạch của lớp trên và quy định của pháp luật; công khai đầy đủ và kịp thời quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính và công bố, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; duy trì, đổi mới khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

- Chủ động kiến nghị và đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những bất cập, chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên môi trường v.v... đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính.

- Đảm bảo cung cấp các dịch vụ điện, nước, dịch vụ viễn thông, vệ sinh môi trường v.v... đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh một cách công khai, minh bạch, công bằng và với chất lượng ngày càng tốt hơn.

[...]