Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Nghị quyết số 154-HĐBT về việc hoàn chỉnh công tác khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 154-HĐBT
Ngày ban hành 14/12/1983
Ngày có hiệu lực 29/12/1983
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 154-HĐBT

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 1983

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 154-HĐBT NGÀY 14-12-1983VỀ VIỆC HOÀN CHỈNH CÔNG TÁC KHOÁN SẢN PHẨM CUỐI CÙNG ĐẾN NHÓM LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG HỢP TÁC XÃ VÀ TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Thi hành chỉ thị số 100-CT/TƯ ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư, đến nay có khoản 90% số hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động đối với cây lúa và dần dần mở rộng đối với các cây trồng khác, chăn nuôi và ngành, nghề.

Việc thực hiện rộng rãi hình thức khoán mới đã phát huy mạnh mẽ tính tích cực, tự giác của xã viên, tập đoàn viên, lôi cuốn mọi người bỏ thêm công sức, tận dụng đất đai, phân bón, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, tận thu mùa màng, v.v... đưa đến tăng năng xuất, sản lượng thu hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập của xã viên, tăng tích luỹ của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, thực hiện tốt hơn nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Mặt khác việc thực hiện rộng rãi hình thức khoán mới đã có tác dụng tích cực trong việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, đẩy nhanh tốc độ cải tạo nông nghiệp ở miền Nam, nhiều nơi thúc đẩy việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tốt là chủ yếu, một số không ít hợp tác xã và tập đoàn sản xuất còn có những khuyết điểm, liên lạc.

- Việc xác định các định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở cho việc cải tiến tổ chức sản xuất và quản lý của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và việc xác định mức sản lượng giao khoán chưa thật sát, nhiều nơi định mức sản lượng giao khoán còn thấp.

- Việc giao khoán ruộng đất nhiều nơi còn manh mún, chưa đúng đối tượng.

Một số tập đoàn sản xuất mới thành lập ở Nam-bộ chưa tập thể hoá ruộng đất mà còn tình trạng đất nhà ai nấy làm.

- Việc phân công, hiệp tác và điều hành các khâu trong quá trình sản xuất thiếu chặt chẽ, không chú ý củng cố các đội, tổ chuyên khâu để làm những công việc quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật gắn với cơ sở vật chất kỹ thuật chung.

- Việc sắp xếp sử dụng một số cơ sở vật chất - kỹ thuật đã xây dựng, nhất là chuồng trại, sân phơi, nhà kho... không được chú ý đầy đủ, để lãng phí, hư hỏng.

- Việc phân phối thu nhập trong hợp tác xã chưa hợp lý, thu nhập theo ngày công của xã viên, tập đoàn viên nhiều nơi giảm; việc trả công cho lao động làm ở các đội, tổ chuyên khâu chưa gắn chặt với sản phẩm cuối cùng và phân phối cho lao động làm ở các ngành nghề khác chưa thật thoả đáng; việc trả thù lao cho cán bộ quản lý chưa gắn với trách nhiệm và kết quả điều hành sản xuất, nên ở nhiều nơi cán bộ đã dồn sức làm ruộng khoán, lơi lỏng công tác quản lý.

- Nhiều hợp tác xã, tập đoàn sản xuất chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề để sử dụng hết số lao động dôi ra, chưa biết liên kết kinh doanh với hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng để tăng thu nhập, phục vụ sản xuất và đời sống tốt hơn. Chưa kết hợp chặt cải tạo nông nghiệp với cải tạo công, thương nghiệp.

Nguyên nhân của những khuyết điểm, lệch lạc ở trên chủ yếu là do các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất chưa quán triệt và nắm vững mục đích, nguyên tắc và phương hướng cải tiến công tác khoán và còn thiếu kinh nghiệm. Mặt khác do các cấp , các ngành thiếu kiểm tra, hướng dẫn chặt chẽ để kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm.

II. HOÀN CHỈNH CÔNG TÁC KHOÁN SẢN PHẨM ĐẾN NHÓM LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Để kịp thời phát huy những ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm, lệch lạc trong công tác khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, bảo đảm thực hiện đúng mục đích, nguyên tắc, phương hướng cải tiến công tác khoán đề ra trong chỉ thị số 100-CT/TƯ ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư và để phù hợp với tình hình phát triển sản xuất, Hội đồng bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp chấp hành tốt những quy định sau đây:

1. Chấn chỉnh lại việc định mức sản lượng giao khoán cho hợp lý.

Định mức sản lượng khoán phải vừa bảo đảm được lợi ích của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, vừa bảo đảm lợi ích của người lao động, nâng cao thu nhập của xã viên bằng cách tăng sản lượng và tăng giá trị ngày công là chủ yếu, khắc phục khuynh hướng định sản lượng thấp để tăng thu nhập của xã viên bằng thưởng vượt khoán.

Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải không ngừng cố gắng tăng thêm đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển sản xuất và có điều kiện nâng cao sản lượng khoán.

2. Chấn chỉnh lại việc giao khoán ruộng đất cho người lao động. Chỉ giao khoán cho người lao động trồng trọt. Những người được phân công làm những công việc khác của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất thì làm những việc đó là chính, không giao ruộng khoán, trừ những người mà công làm của họ trong năm còn thấp do không đủ việc làm thì có thể xét giao một phần.

Không giao ruộng khoán theo bình quân nhân khẩu, theo định xuất ăn hoặc theo bình quân lao động chung của toàn hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Đối với các tập đoàn sản xuất mới thành lập ở Nam-bộ, phải tiến hành tập thể hoá ruộng đất rồi mới giao khoán. Khi giao ruộng khoán cần chiếu cố những hộ có nhiều nhân khẩu ăn theo và chú ý cân đối lao động để các hộ đều làm tốt cả ruộng khoán và đất vườn.

Phải điều chỉnh các định mức giao khoán cho từng loại ruộng hợp lý để giao ruộng khoán cho xã viên được gọn, thuận tiện cho việc sử dụng các cơ sở vật chất-kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và bảo đảm thực hiện quy hoạch , kế hoạch sản xuất. Khi diện tích giao khoán cho từng người lao động đã được hợp lý, thì cần ổn định trong một thời gian để xã viên yên tâm thâm canh trên diện tích đó.

3. Tổ chức tốt việc phân công, hiệp tác lao động và quản lý, điều hành sản xuất trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Việc tổ chức phân công hiệp tác lao động làm ở các khâu phải căn cứ vào từng đối tượng sản xuất ; điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và công cụ sản xuất, điều kiện địa dư và dân cư, quy mô tổ chức của từng đơn vị. Nhưng hợp tác xã, đội sản xuất, tập đoàn sản xuất nhất thiết phải quản lý, điều hành chặt chẽ tất cả các khâu, có kế hoạch, quy trình, định mức và có hướng dẫn , kiểm tra, nghiệm thu từng khâu, từng việc chặt chẽ, không được khoán trắng cho xã viên.

Những việc đòi hỏi kỹ thuật phức tạp gắn với việc sử dụng máy móc và cơ sở vật chất - kỹ thuật chung, thì nhất thiết phải tổ chức, củng cố các đội, tổ chuyên để làm; còn những việc chưa có cơ sở vật chất - kỹ thuật chung và lao động thủ công, sử dụng công cụ thông thường có thể làm được thì nên giao cho xã viên nhận khoán thực hiện, gắn trách nhiệm với sản phẩm cuối cùng.

Nghiêm cấm việc các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất giao ruộng đất, trâu bò cho xã viên làm từ đầu cho đến cuối, tập thể chỉ thu một số sản phẩm để đóng thuế và lập quỹ chung theo kiểu phát canh thu tô.

4. Đối với chăn nuôi tập thể: Ở những hợp tác xã, tập đoàn có cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, cần củng cố lại chuồng trại, có kế hoạch giải quyết giống, cân đối thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật và chế độ quản lý thích hợp, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, trên cơ sở đó mở rộng quy mô chăn nuôi vững chắc; cần chú trọng nuôi lợn nái để sản xuất con giống cung cấp cho xã viên. Thực hiện giao khoán cho mỗi lao động phụ trách một số lợn cùng loại để nuôi dưỡng theo định mức khoán, hợp tác xã bảo đảm cung cấp đủ thức ăn, các chi phí vật chất cần thiết và trả công điểm cho hợp lý cho người chăn nuôi theo sản phẩm giao nộp; nếu hoàn thành vượt mức kế hoạch khoán, người chăn nuôi được thưởng thích đáng, nếu không đạt kế hoạch và thiếu trách nhiệm thì phải phạt. Việc giao khoán cho gia đình xã viên cho chăn nuôi lợn cho tập thể thì phải căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật để xây dựng hợp đồng khoán chặt chẽ, hợp tác xã, tập đoàn bảo đảm cung cấp giống, thức ăn tinh, các chi phí vật chất khác và trả công điểm, xã viên chăn nuôi và nộp sản phẩm cho tập thể theo định mức; vượt mức khoán thì được hưởng, thiếu thì phải bù. Cũng có thể giao đất khoán cho gia đình xã viên sản xuất thức ăn rồi giao con giống và các chi phí khác, khoán cho họ nuôi lợn cho tập thể, nhưng phải có định mức và quản lý chặt chẽ, bảo đảm số đầu lợn và sản lượng thịt thật sự tăng lên.

Đối với trâu bò, cần giao khoán cho gia đình xã viên chăn nuôi trâu bò cầy kéo. Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải có nội quy bảo đảm cho từng con trâu bò làm việc vừa sức và được chăm sóc chu đáo. Những gia đình xã viên nhận nuôi, ngoài việc được trả công theo định mức, nếu nuôi tốt, trâu bò lên loại kéo hoặc kéo dài thời gian sử dụng thì được hưởng 100% phần giá trị tăng; bê nghé sinh ra được hưởng 80% giá trị theo giá thoả thuận; nuôi không tốt, thì phải chịu phạt tuỳ theo mức độ trách nhiệm của họ.

[...]