Nghị quyết số 15-CP về việc việc cải tiến tổ chức y tế địa phương do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 15-CP
Ngày ban hành 14/01/1975
Ngày có hiệu lực 29/01/1975
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 1975

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 15-CP NGÀY 14 THÁNG 1 NĂM 1975 VỀ VIỆC CẢI TIẾN TỔ CHỨC Y TẾ ĐỊA PHƯƠNG

Qua nhiều năm xây dựng, tổ chức y tế của ta đã từng bước phát triển và có tiến bộ. Mạng lưới y tế cơ sở đã được hình thành rộng khắp; các tổ chức vệ sinh phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, đông y, sản xuất và phân phối thuốc, đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học,v.v... đã được thành lập từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Trong quá trình xây dựng và phát triển đó, tổ chức y tế đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ.

Tuy nhiên, tổ chức y tế còn phân tán, chưa thống nhất vào ngành y tế trên phạm vi toàn quốc; sự phân bổ mạng lưới y tế chưa được hợp lý, thuận tiện cho người dân; ở nông thôn, mạng lưới y tế xã chưa được ổn định tổ chức y tế phục vụ công nhân và y tế ở các đô thị chưa được kiện toàn; bộ máy quản lý và chỉ đạo các cấp còn yếu.

Để khắc phục những nhược điểm và khuyết điểm nói trên, đưa công tác y tế tiến lên theo kịp yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Hội đồng Chính phủ quyết định cải tiến tổ chức y tế địa phương theo những phương hướng và nội dung như sau.

I- PHƯƠNG HƯỚNG CẢI TIẾN

1- Trong việc phân bố mạng lưới y tế, cần kết hợp chặt chẽ việc phân bố theo đơn vị hành chính với phân bố theo khu vực dân cư, để vừa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ, vừa đảm bảo được nguyên tắc thống nhất quản lý; cải tiến và phân bố hợp lý các tổ chức vệ sinh phòng dịch, các phòng khám bệnh, các bệnh viện, các hiệu thuốc theo khu vực địa lý, dân số, cơ cấu bệnh tật và vùng sản xuất để việc phục vụ các đối tượng trong khu vực được thuận tiện.

2- Phải làm cho bộ máy y tế các cấp gọn nhẹ, có chất lượng và hiệu lực hơn nữa. Đặc biệt coi trọng củng cố và tăng cường hệ thống phòng bệnh, phòng và chống dịch, tăng cường tổ chức y tế cơ sở, nhằm kịp thời phục vụ sức khoẻ đến tận cơ sở sản xuất, đến tận gia đình.

3- Trên cơ sở củng cố và tăng cường tổ chức y tế ở các xí nghiệp (nhà máy, nông trường, công trường, lâm trường) và bộ máy các cấp của ngành y tế từ Trung ương đến tỉnh, huyện cần từng bước vững chắc thực hiện việc thống nhất quản lý y tế các ngành vào ngành y tế, xây dựng một cơ cấu y tế hợp lý, thống nhất tại mỗi địa phương, bảo đảm phục vụ tốt sức khoẻ công nhân, viên chức, học sinh, trẻ em, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân khác.

4- Phải thông qua việc cải tiến tổ chức để làm tốt công tác phòng bệnh, phòng dịch, chống dịch, công tác quản lý các bệnh xã hội, từng bước thực hiện quản lý sức khoẻ theo đối tượng; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, mở rộng hình thức chữa bệnh ngoại trú, tại nhà đẩy mạnh phát triển dược liệu, sử dụng thuốc năm, phát triên công tác đông y, kết hợp tốt đông y và tây y, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế, và công tác nghiên cứu y học và dược học.

II- HỆ THỐNG TỔ CHỨC MẠNG LƯỚI Y TẾ ĐỊA PHƯƠNG, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ,PHẠM VI TRÁCH NHIỆM, VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TỪNG TUYẾN

Căn cứ vào những phương hướng nói trên, tổ chức y tế các địa phương chia thành 3 tuyến:

1. Tuyến y tế cơ sở;

2. Tuyến y tế khu vực, huyện, thị xã và tương đương;

3. Tuyến y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

A- TUYẾN Y TẾ CƠ SỞ

a) Tổ chức y tế cơ sở ở xã, ở tiểu khu (thành phố, thị xã), ở các xí nghiệp, cơ quan, trường học lấy tên thống nhất là trạm y tế.

Trạm y té chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban hành chính của cơ sở, địa phương, và thủ trưởng cơ quan về mọi mặt, và chịu sự chỉ đạo của phòng y tế huyện, thị xã về chuyên môn, nghiệp vụ. Nó là tuyến đầu tiên trực tiếp với đối tượng phục vụ.

Những nhiệm vụ cơ bản của trạm y tế là:

- Phát hiện và báo cáo kịp thời tình hình dịch, bệnh trong địa phương hoặc cơ sở mình phụ trách, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, phòng và chống dịch, công tác vệ sinh lao động; tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ sức khoẻ, giúp Uỷ ban hành chính cơ sở, địa phương vận động nhân dân xây dựng và quản lý tốt các công trình vệ sinh, chủ yếu là 3 công trình (hố xí, nhà tắm, giếng nước); coi đó là nhiệm vụ hàng đầu;

- Thực hiện tốt công tác sinh đẻ có kế hoạch; bảo đảm đỡ đẻ thường cho sản phụ; quản lý sức khoẻ, bệnh tật của nhân dân, công nhân, viên chức, học sinh thuộc phạm vi mình phụ trách; khám và chữa bệnh thông thường (chủ yếu tại nhà), cấp cứu bước đầu; tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự, khám sức khoẻ cho công nhân, học sinh, trẻ em trong các nhà trẻ, mẫu giáo;

- Quản lý tủ thống của trạm y tế, trồng cây thuốc, vận động nhân dân trồng cây thuốc và chữa bệnh bằng thuốc nam, thực hiện châm cứu; giúp đỡ các lượng y phục vụ sức khoẻ nhân dân;

- Bồi dưỡng chuyên môn cho vệ sinh ở các tổ, đội sản xuất hoặc ở đường phố;

- Thực hiện các chế độ, chính sách về y tế trong địa phương và cơ sở mình.

b) ở nông thôn, mỗi xã có một trạm y tế (trong đó có một tổ thuốc nam). Trạm y tế xã có một số giường bệnh để cấp cứu, cách ly bệnh lây, lao, đỡ đẻ thường, và tiếp tục điều trị các bệnh nhân do bệnh viện huyện gửi về. Mỗi xã hoặc liên xã có một trại chống lao.

Tuỳ theo xã lớn hay nhỏ mà bố trí số lượng cán bộ và nhân viên y tế cần thiết. ở mỗi hợp tác xã, có y tá, nữ hộ sinh và vệ sinh viên. Về chế độ đối với cán bộ, nhân viên y tế xã và hợp tác xã, tạm thời thực hiện theo chế độ hiện hành. Bộ Y tế cùng với các ngành có liên quan cần nghiên cứu trình Chính phủ ban hành sớm chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên y tế xã.

Những xã miền núi, rẻo cao, vùng xa xôi hẻo lánh cần nghiêm chỉnh thực hiện Quyết định số 156-CP ngày 7-10-1968 của Hội đồng Chính phủ; ở những xã vùng thấp, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thì Uỷ ban hành chính đề nghị Chính phủ xét cho áp dụng chế độ theo Quyết định số 156-CP nói trên.

c) ở thành phố, thị xã, tổ chức y tế cơ sở của tiểu khu nội thành, nội thị được phân bố theo khu vực dân cư, cứ khoảng 3000 dân có một trạm y tế. ở các khối phố, có mạng lưới vệ sinh.

[...]