Thông tư 18-BYT/TT-1979 hướng dẫn công tác giám định y khoa do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 18-BYT/TT
Ngày ban hành 22/06/1979
Ngày có hiệu lực 07/07/1979
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Hoàng Đình Cầu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ

*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

*******

Số: 18-BYT/TT

Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 1979

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Theo quyết định số 168-CP ngày 08-07-1974, Hội đồng Chính phủ đã cho thành lập Viện giám định y khoa, bổ sung và sửa đổi theo quyết định số 135-CP ngày 04-08-1976 của Hội đồng Chính phủ;

Căn cứ quyết định trên, liên Bộ Y tế - Thương binh và xã hội đã ban hành thông tư số 05-TT/LB ngày 21-03-1977 hướng dẫn tổ chức hệ thống giám định y khoa ở địa phương cho phù hợp với hệ thống tổ chức y tế địa phương theo nghị quyết số 15-CP ngày 14-01-1975 của Hội đồng Chính phủ đã quy định và thay thế cho thông tư số 44-TT/LB ngày 26-11-1970 của liên Bộ Y tế - Nội vụ;

Tiếp theo có các thông tư số 09-TT/LB ngày 13-04-1977 của liên Bộ Y tế - Tài chính quy định việc quản lý chi tiêu về công tác giám định y khoa tại địa phương, chỉ thị số 16-BYT/CT ngày 26-04-1978 về tăng cường và nâng cao chất lượng giám định y khoa, công văn số 1406-BYT/TC ngày 26-04-1978 về tổ chức bộ máy của Viện giám định y khoa và quyết định số 59-BYT/QĐ ngày 11-01-1979 về việc củng cố Hội đồng giám định y khoa trung ương;

Nay để tiện cho việc theo dõi và thi hành, Bộ tổng hợp tất cả văn bản trên và hướng dẫn thêm như sau.

A. VỀ TỔ CHỨC

I. TẠI TRUNG ƯƠNG

1. Viện giám định y khoa với chức năng là cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật trực thuộc Bộ Y tế về mặt khám giám định thương tật, tai nạn lao động, tiêu chuẩn sức khỏe để xác định khả năng lao động cho công nhân, viên chức Nhà nước, quân đội xuất ngũ và những người được hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi như thương binh.

Viện có nhiệm vụ:

a) Tổ chức khám lại các trường hợp giám định y khoa do tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các ngành gửi đến; làm nhiệm vụ thường trực cho hội đồng giám định y khoa trung ương.

b) Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan như Bộ Thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Tổng công đoàn Việt Nam,… nghiên cứu xây dựng và bổ sung các tiêu chuẩn cụ thể, xác định về thương tật và về mất sức lao động để Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các tiêu chuẩn ấy.

c) Nghiên cứu, hướng dẫn việc chọn ngành nghề phù hợp với khả năng lao động còn lại của những đối tượng nói trên sát hợp với hoàn cảnh lao động của nước ta.

d) Phối hợp với các tổ chức có liên quan của Bộ Y tế để đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ làm công tác giám định y khoa, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ cho hệ thống giám định y khoa các cấp, các ngành.

e) Theo dõi tổng hợp tình hình về mặt số lượng, chất lượng của công tác giám định y khoa; tổ chức lưu trữ các hồ sơ về giám định y khoa.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, tổ chức của việc dựa vào một bệnh viện đa khoa, hiện nay là bệnh viện E, để kết hợp sử dụng cán bộ, phương tiện, thiết bị sẵn có. Viện có trách nhiệm cử cán bộ tham gia Hội đồng giám định y khoa trung ương và có một phòng khám phúc quyết và làm thường trực cho Hội đồng giám định y khoa trung ương, để chuẩn bị hồ sơ tình hình đương sự để Hội đồng giám định y khoa trung ương họp quyết định.

Ngoài ra, tại viện còn có các tổ chức công tác và tổ nghiên cứu

Biên chế của viện hàng năm căn cứ vào khối lượng nhiệm vụ công tác và khả năng về lao động, Nhà nước sẽ ghi chỉ tiêu.

Quyết định số 168-CP của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Viện giám định y khoa và thông tư số 05-TT/LB của liên Bộ Y tế - Thương binh và xã hội hướng dẫn kiện toàn hệ thống tổ chức giám định y khoa ở địa phương đã thay thế tất cả các văn bản quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng giám định y khoa trung ương và về hệ thống tổ chức Hội đồng giám định y khoa đã ban hành trước tháng 7 năm 1974.

2. Các hội đồng giám định y khoa.

a) Hội đồng giám định y khoa trung ương là một tổ chức của liên Bộ gồm một số thành viên kiêm nhiệm của các Bộ cử vào, không có biên chế riêng.

Hội đồng giám định y khoa trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định thành lập, cử chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên trong đó có đại diện các Bộ Thương binh và xã hội, Lao động và tổng công đoàn Việt Nam; những thành viên của Hội đồng thuộc Bộ nào thì do Bộ trưởng của Bộ đó ra quyết định bổ nhiệm.

Phó chủ tịch Hội đồng giám định y khoa trung ương là Viện trưởng Viện giám định y khoa, có thêm một đại diện Viện giám định y khoa làm ủy viên thường trực. Giúp việc cho ủy viên thường trực của Hội đồng là phòng khám phúc quyết thuộc biên chế của Viện giám định y khoa để chuẩn bị cho Hội đồng họp và quyết định. Ngoài ra Hội đồng giám định y khoa trung ương cần lập danh sách các giám định viên giúp Hội đồng trong việc giám định chuyên khoa để đề nghị Bộ duyệt, chỉ định.

Hội đồng giám định y khoa trung ương sẽ họp thường kỳ theo quyết định về lề lối làm việc của Hội đồng, và có sự thống nhất giữa Hội đồng và Viện giám định y khoa.

Hội đồng giám định y khoa trung ương là cơ quan giám định y khoa cao cấp của cả nước, có nhiệm vụ khám phúc quyết đối với các trường hợp do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hội đồng giám định y khoa của các ngành gửi đến. Các hội đồng giám định y khoa của địa phương và của các ngành chỉ làm nhiệm vụ giám định thông thường, nếu có trường hợp khiếu nại đều phải chuyển về Hội đồng giám định y khoa trung ương.

b) Phân hội đồng giám định y khoa trung ương I (thành phố Hồ Chí Minh) dựa vào bệnh viện Chợ Rẫy và Phân hội đồng giám định y khoa trung ương II (thành phố Đà Nẵng) dựa vào bệnh viện C Đà Nẵng, thành lập theo quyết định số 1412-BYT/QĐ ngày 26-11-1976 để làm nhiệm vụ giám định y khoa tại các tỉnh từ Bình Trị Thiên và Gia Lai – Công Tum trở vào.

Hai phân hội đồng đều thuộc cơ cấu của Hội đồng giám định y khoa trung ương, đặt tại hai khu vực trên để giải quyết cho đương sự được thuận lợi và nhanh chóng theo sự phân cấp và chỉ đạo thống nhất của Hội đồng giám định y khoa trung ương.

Ngoài các thành phần đã quy định trong quyết định trên, các phân hội đồng cần được bổ sung thêm đại diện của Bộ Thương binh và xã hội, Bộ Lao động và Tổng công đoàn Việt Nam làm các ủy viên chính thức của phân hội đồng. Biên chế chuyên trách của Phân hội đồng I có 5 người tính vào biên chế của bệnh viện Chợ Rẫy; của Phân hội đồng II có 3 người tính vào biên chế của bệnh viện C Đà Nẵng. Các bộ phận chuyên trách trên, ngoài nhiệm vụ phụ giúp các phân hội đồng còn có nhiệm vụ giúp viện theo dõi, hướng dẫn về công tác giám định y khoa cho các tỉnh, thành trong phạm vi đã được phân công và theo sự chỉ đạo của viện.

c) Các hội đồng giám định y khoa khác ở trung ương: Sau khi đã có quyết định số 168-CP ngày 08-07-1974 của Hội đồng Chính phủ thành lập Viện giám định y khoa, liên Bộ Y tế - Thương binh và xã hội đã ban hành thông tư số 05-TT/LB ngày 21-03-1977 hướng dẫn tổ chức hệ thống giám định y khoa ở địa phương cho phù hợp với hệ thống tổ chức y tế địa phương quy định trong nghị quyết số 15-CP ngày 14-01-1975 của Hội đồng Chính phủ; tới nay Hội đồng giám định y khoa của các tỉnh, thành phố đã được thành lập, củng cố và kiện toàn vững mạnh đủ khả năng đáp ứng cho yêu cầu khám giám định y khoa cho các đối tượng đã sinh sống, công tác tại địa phương. Căn cứ vào tình hình đó và để thống nhất chỉ đạo công tác giám định y khoa, thuận tiện cho các đối tượng trong việc khám giám định, Bộ Y tế thấy các hội đồng giám định y khoa thuộc các ngành ở trung ương mà trước đây do Bộ Y tế ra quyết định thành lập hoặc công nhận nay không còn phù hợp và không cần thiết, sẽ không còn hiệu lực, nhất là đối với các ngành đang và sẽ thực hiện việc thống nhất quản lý công tác y tế vào ngành y tế (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Tổng cục đường sắt).

[...]