Thông tư 14-BYT/TT-1977 hướng dẫn việc tổ chức trạm y tế tại các xí nghiệp, cơ quan, trường học do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 14-BYT/TT |
Ngày ban hành | 09/05/1977 |
Ngày có hiệu lực | 24/05/1977 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Vũ Văn Cẩn |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14-BYT/TT |
Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 1977 |
HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC TRẠM Y TẾ TẠI CÁC XÍ NGHIỆP, CƠ QUAN, TRƯỜNG HỌC
Nghị quyết số 15-CP ngày
14-1-1975 của Hội đồng Chính phủ đã quy định tổ chức y tế tại các xí nghiệp, cơ
quan, trường học (trường đại học, trung học chuyên nghiệp, và trường công nhân
học nghề) và thống nhất lấy tên là trạm y tế.
Căn cứ vào tình hình tổ chức và hoạt động của mạng lưới y tế hiện nay và căn cứ
vào các chế độ, chính sách của Nhà nước đã ban hành, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện
như sau:
I. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ:
1.1 Trạm y tế ở các xí nghiệp, cơ quan, trường học là tuyến y tế cơ sở, tuyến đầu tiên trực tiếp với đối tượng phục vụ, bảo đảm quản lý và chăm sóc kịp thời, tại chỗ sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên, học sinh, nhằm bảo vệ sức lao động phục vụ sản xuất, công tác, học tập. Vì vậy trạm có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc chăm sóc sức khỏe cán bộ, công nhân viên, học sinh, cho nên trước mắt và lâu dài phải được củng cố về mọi mặt.
Trạm do thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý về mọi mặt và được tổ chức y tế tuyến trên thuộc ngành y tế chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, trạm làm tham mưu cho thủ trưởng đơn vị về các mặt công tác y tế.
1.2 Những nhiệm vụ cơ bản của trạm y tế được quy định trong nghị quyết số 15-CP của Hội đồng Chính phủ (xem phụ lục II).
Cần chú ý đặc biệt:
- Trong các nhiệm vụ quy định cho các trạm y tế nói chung, trạm y tế tại các xí nghiệp, cơ quan, trường học phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn bộ cán bộ, công nhân viên, học sinh mà mình phụ trách. Phải làm được ít nhất cũng như những xã hiện nay đang làm công tác này. Phải tổ chức kiểm tra sức khỏe và làm hồ sơ sức khỏe cho từng người, trên cơ sở đó mà làm kế hoạch bảo vệ sức khỏe một cách cụ thể nhằm phục vụ một cách có hiệu quả nhất cho sản xuất, học tập và đời sống cán bộ, công nhân và học sinh.
- Nhiệm vụ đỡ đẻ thường chỉ áp dụng cho trạm y tế ở các xí nghiệp mà giao thông không thuận tiện, xa các bệnh viện, nhà hộ sinh.
- Nhiệm vụ cụ thể về công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, vệ sinh phòng chống dịch, phục vụ phòng bệnh, chữa bệnh của trạm y tế cơ sở sản xuất (xem phụ lục III chỉ thị số 31-BYT/VS ngày 17-8-1976 của Bộ y tế).
2.1 Tiêu chuẩn thành lập trạm:
Có đủ số lượng cán bộ, công nhân viên và học sinh theo quy định để có ít nhất 2 biên chế cán bộ y tế trở lên; có y sĩ hoặc bác sĩ làm trưởng trạm; có đủ cơ sở nhà cửa, trang bị, dụng cụ chuyên môn, phương tiện làm việc đáp ứng với yêu cầu chức năng, nhiệm vụ.
Khi có đủ điều kiện trên, đơn vị phải đăng ký đã được sự thỏa thuận của Sở, Ty y tế địa phương, lúc đó thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan, trường học mới ra quyết định thành lập trạm y tế.
Những xí nghiệp, cơ quan, trường học không đủ tiêu chuẩn thành lập trạm thì có cán bộ y tế phục vụ.
Những đơn vị không có đủ tiêu chuẩn có biên chế cán bộ y tế thì y tế địa phương căn cứ vào tổng số cán bộ, công nhân viên, học sinh của một số đơn vị gần nhau mà bố trí cán bộ y tế phục vụ, số cán bộ này do phòng khám bệnh đa khoa nơi đó trực tiếp quản lý.
Những cán bộ, công nhân viên, học sinh của các cơ quan, xí nghiệp, trường học, sản xuất, công tác lưu động, phân tán thì do các cơ sở y tế địa phương nơi đó phục vụ.
Trường hợp xí nghiệp có quy mô lớn khoảng 5000 cán bộ, công nhân viên trở lên, đóng tập trung, xí nghiệp đó có thể tổ chức một phòng khám bệnh đa khoa phục vụ riêng cho xí nghiệp. Phòng khám bệnh đa khoa này có hai bộ phận: một bộ phận (thuộc biên chế phòng khám bệnh đa khoa) làm chức năng của phòng khám bệnh đa khoa và làm tham mưu cho giám đốc xí nghiệp về các mặt công tác y tế; một bộ phận gồm các cán bộ y tế (thuộc biên chế y tế cơ sở) phụ trách sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên ở từng cụm (xưởng, liên xưởng).
Hiện nay phòng khám bệnh đa khoa nói trên do giám đốc xí nghiệp tổ chức, xây dựng và quản lý trực tiếp; các Sở, Ty y tế địa phương chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ. Trường hợp này chỉ áp dụng cho những nơi chưa thống nhất quản lý y tế vào ngành y tế.
2.2. Phân loại trạm: Có bốn loại trạm y tế: xí nghiệp, cơ quan, trường học như quy định trong thông tư Liên Bộ Y tế - Tài chính số 32-TT/LB ngày 24-4-1974.
2.3 Số giường lưu và giường bệnh của trạm:
Thực hiện như quy định trong thông tư số 42-BYT/TT ngày 6-11-1976 của Bộ Y tế. Thời gian bệnh nhân nằm tại giường lưu có tính chất tạm thời (vài ba ngày đến một tuần) không để kéo dài ngày như giường bệnh xá trước đây.
2.4. Biên chế của trạm:
a) Biên chế của trạm tùy thuộc vào số lượng cán bộ, công nhân viên, học sinh và theo loại trạm; thực hiện như quy định trong thông tư số 42-BYT/TT của Bộ Y tế, trong đó có một trưởng trạm. Trong khi chưa quy định thống nhất được chế độ lương của trưởng trạm có thể xét tương quan trong đơn vị mà xếp theo lương chuyên môn hoặc xếp tương đương lương của các trưởng phòng, ban khác của xí nghiệp, co quan, trường học như hiện nay đang thực hiện.
b) Biên chế phục vụ giường bệnh, giường lưu: Căn cứ vào công văn số 364-BYT/TC ngày 29-1-1976 của Bộ Y tế hướng dẫn cơ cấu tổ chức, biên chế cán bộ của các cơ sở y tế địa phương theo nghị quyết số 15-CP của Hội đồng Chính phủ, vận dụng như sau:
- Giường bệnh (thuộc trạm y tế loại 1): cứ 2 giường có 1 biên chế phục vụ (như biên chế phục vụ giường điều dưỡng).
- Giường lưu (thuộc trạm y tế loại 2 – 3 – 4): Cứ 4 giường có 1 biên chế phục vụ.