Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015

Số hiệu 15/2011/NQ-HĐND
Ngày ban hành 14/12/2011
Ngày có hiệu lực 24/12/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2011/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 14 tháng 12 năm 2011

 

VỀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Công văn số 2478/BNN-TCLN ngày 03/8/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc thẩm định Quy hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Công văn số 978/TCLN-PTR ngày 11/10/2010 của Tổng Cục Lâm nghiệp về việc hoàn chỉnh báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 98/2010/NQ-HĐND ngày 03/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Thông báo số 162-TB/TU ngày 15/11/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015;

Sau khi xem xét Tờ trình số 5579/TTr-UBND ngày 24/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Về mục tiêu:

a) Quản lý bảo vệ và phát triển có hiệu quả vốn rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng; sử dụng và trồng rừng trên diện tích có khả năng trồng rừng để nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng đến năm 2015 đạt 41,0% (tính cả cây công nghiệp và cây lâu năm là 53%); giảm thiểu tình trạng khô hạn, cháy rừng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và chống lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép;

b) Phấn đấu đến năm 2015, giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp đạt từ 10 - 15% giá trị gia tăng của ngành nông lâm thủy sản;

c) Thực hiện xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp để huy động ngày càng tăng sự đóng góp của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và nhân dân vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao mức sống người dân vùng nông thôn, miền núi và giữ vững an ninh quốc phòng.

2. Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu:

a) Kế hoạch diện tích 3 loại rừng giai đoạn 2011 - 2015 (kèm theo Phụ lục I);

b) Thực hiện tốt các chỉ tiêu về bảo vệ rừng, phát triển rừng, khai thác rừng và các hoạt động lâm nghiệp khác giai đoạn 2011 - 2015 (kèm theo Phụ lục II, III);

c) Chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác và chuyển mục đích sử dụng đất còn rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng vào đất lâm nghiệp (kèm theo Phụ lục IV, V).

3. HĐND tỉnh nhấn mạnh một số giải pháp chủ yếu trong tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

a) Tiến hành rà soát và chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp toàn tỉnh trên thực tế đã bị xâm canh không thể phát triển lâm nghiệp được sang đất sản xuất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp nhằm triển khai tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2015 và xây dựng các công trình, dự án có liên quan phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc này phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về đất đai và bảo vệ rừng;

b) Hoàn thành việc thiết lập lâm phận ổn định theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô, với mốc và ranh giới rõ ràng trên bản đồ và thực địa. Thực hiện việc kiểm kê đánh giá chi tiết hiện trạng những vùng chuyển đổi ra ngoài đất lâm nghiệp, những nơi dân xâm canh. Quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và thực hiện nghiêm các quy định về cải tạo rừng. Chủ động tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực sử dụng giá trị môi trường và cảnh quan của rừng. Tổ chức liên doanh để thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái, sử dụng lâm sản ngoài gỗ, nghiên cứu khoa học bảo vệ đa dạng sinh học theo đúng quy định;

c) Tăng cường các biện pháp phòng, chống phá rừng, cháy rừng, tổ chức tốt lực lượng bảo vệ rừng đến đơn vị xã. Tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng có sự phối hợp tốt của lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân bằng các hình thức tổ chức đa dạng, phong phú, phù hợp, nhất là ở khu vực trọng điểm;

d) Tăng cường đúng mức trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng bằng các quy định cụ thể, ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép. Rà soát chính sách tăng cường nhân lực, phương tiện cho lực lượng bảo vệ rừng và lực lượng kiểm lâm có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;

đ) Đảm bảo chất lượng và đạt hiệu quả cao nhất việc trồng rừng tập trung trên đất trống chưa có rừng, trên các đối tượng rừng trồng đến tuổi khai thác, sau cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và trồng các loài cây phân tán bằng việc chọn giống và đối tượng cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng và mục tiêu sử dụng rừng. Tập trung bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, chống xói lở, cát bay và khả năng sa mạc hóa. Tổ chức khai thác rừng có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản và nhu cầu tiêu dùng gỗ của nhân dân trong tỉnh;

e) Nhà nước đầu tư vốn để phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng nhằm ổn định diện tích rừng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai bền vững. Phát triển rừng sản xuất bằng nguồn vốn vay, vốn tự có của các doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân, thực hiện cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng, cho thuê cảnh quan để huy động vốn cho bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Điều 2. Giao UBND tỉnh nghiên cứu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu HĐND tỉnh, hoàn chỉnh báo cáo, phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015 và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

[...]