Nghị quyết số 14/2002/QH11 về nhiệm vụ năm 2003 do Quốc hội ban hành

Số hiệu 14/2002/QH11
Ngày ban hành 16/12/2002
Ngày có hiệu lực 16/12/2002
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/2002/QH11

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2002

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ NĂM 2003

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ

Quốc hội tán thành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2002, phương hướng nhiệm vụ năm 2003 với các chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các cơ quan hữu quan; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NĂM 2002

Năm 2002, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức lớn, cả ở trong nước và ngoài nước, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng ở mức cao và đạt được kết quả khá toàn diện. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các nguồn lực được chú trọng phát huy. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán. Công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả đáng khích lệ. Phong trào toàn dân chăm lo giáo dục được đẩy mạnh. Đời sống của nhân dân đã được cải thiện đáng kể. Chính trị-xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Đạt được những kết quả trên là do sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự điều hành năng động, có hiệu quả của Chính phủ, của các địa phương và các ngành, các cấp.

Tuy vậy, kinh tế-xã hội năm 2002 vẫn còn nhiều yếu kém. Một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là vốn đầu tư của Nhà nước chưa cao. Lĩnh vực xã hội vẫn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc. Tai nạn giao thông xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Một số nội dung về đổi mới trong lĩnh vực giáo dục đạt kết quả thấp. Cải cách hành chính triển khai chậm, hiệu quả còn hạn chế. Trật tự trị an có lúc, có nơi diễn biến phức tạp. Đời sống của nhân dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng thường bị thiên tai còn nhiều khó khăn.

II- MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA NĂM 2003

1- Mục tiêu tổng quát:

Bảo đảm duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm có thị trường, có sức cạnh tranh cao. Huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn nội lực để phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động thực hiện các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với khai thác tốt thị trường trong nước. Tiếp tục thực hiện xoá đói, giảm nghèo. Giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt là tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông. Đẩy lùi tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống. Mở rộng quan hệ đối ngoại.

2- Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 7% đến 7,5%;

- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5%;

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 14 % đến 14,5%;

- Giá trị các ngành dịch vụ tăng từ 7% đến 7,2%;

- Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,5% đến 8%;

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GDP

- Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 5%;

- Tạo việc làm mới cho 1,5 triệu người;

- Đào tạo nghề cho trên 1 triệu người;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12,5%;

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 28%;

- Giảm tỷ lệ sinh 0,04%.

III- CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH

1- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh kịp thời quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao chất lượng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tăng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Gắn quy hoạch phát triển ngành, vùng lãnh thổ với thị trường, bảo đảm khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương.

[...]