Nghị quyết 11/2011/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020

Số hiệu 11/2011/NQ-HĐND
Ngày ban hành 16/07/2011
Ngày có hiệu lực 26/07/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Giàng Páo Mỷ
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2011/NQ-HĐND

Lai Châu, ngày 16 tháng 7 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH LAI CHÂU ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND - UBND năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số nội dung của Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 87/2006/QĐ-TTg ngày 20/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2006-2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 793/TTr-UBND ngày 04/7/2011 của UBND tỉnh Lai Châu về điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của các Ban hội đồng nhân dân và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020 với nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Khai thác tối đa nội lực, kết hợp với sự hỗ trợ của Trung ương và cả nước, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển so với các tỉnh trong khu vực và cả nước phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển sản xuất hàng hoá; phát huy tối đa lợi thế kinh tế cửa khẩu; lấy thủy điện, kinh tế rừng, tài nguyên khoáng sản, sản phẩm cây công nghiệp (mủ cao su, chè) làm sản phẩm hàng hóa chủ lực và lâu dài.

3. Tổ chức tốt việc di dân tái định cư các dự án thủy điện trên địa bàn. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh công tác trồng và chăm sóc bảo vệ rừng đầu nguồn của lưu vực Sông Đà nhằm bảo vệ nguồn nước cho các công trình thủy điện lớn của quốc gia. Gắn phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

4. Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với định hướng phát triển hệ thống đô thị; xây dựng nông thôn mới phải bảo đảm hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc và ổn định cuộc sống dân cư.

5. Phát triển kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với việc giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội như: giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, giải quyết các tệ nạn xã hội, định canh định cư, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ cơ sở, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giúp đỡ đồng bào dân tộc, ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống của nhân dân trong tỉnh với các tỉnh khác và mức trung bình của vùng Trung du miền núi Bắc bộ.

6. Kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh, củng cố vững chắc an ninh nội địa, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước gắn với xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác ổn định lâu dài.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; cải thiện rõ rệt hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; phát huy lợi thế cửa khẩu, tài nguyên khoáng sản, thủy điện, đất đai, để phát triển các ngành kinh tế; tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững, hoàn thành cơ bản định canh, định cư; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Giai đoạn 2011-2015, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách so với các tỉnh trong vùng, cả nước; đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đến năm 2020 đạt mức phát triển trung bình của vùng.

2. Mục tiêu cụ thể

a). Về phát triển kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 khoảng 16-17%; trong đó khu vực nông lâm ngư nghiệp tăng khoảng 6,5%/năm, công nghiệp, xây dựng tăng khoảng 23,5%/năm và khu vực dịch vụ tăng khoảng 17,5%/năm. Giai đoạn 2016-2020 mức tăng trưởng kinh tế bình quân là 16,1%/năm.

- Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, đến năm 2015 tỷ trọng các ngành nông lâm ngư nghiệp khoảng 23,8%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 41% và khu vực dịch vụ chiếm khoảng 35,2%. Đến năm 2020 các tỷ lệ tương đương là 20%, 44%, 36%.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương năm 2015 là 10 triệu USD, tăng bình quân 17%/năm; đến năm 2020 là 17 triệu USD, tăng bình quân 11,2%/năm.

- Tăng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn nhằm nâng tỷ trọng, đảm bảo các nhiệm vụ chi của tỉnh và từng bước giảm hỗ trợ ngân sách từ Trung ương: Phấn đấu đến năm 2015 thu ngân sách trên địa bàn trên 500 tỷ đồng và năm 2020 trên 1.000 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011-2015 khoảng 53 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 90 nghìn tỷ đồng.

[...]