Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị quyết 118/2007/NQ-HĐND về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007 - 2010

Số hiệu 118/2007/NQ-HĐND
Ngày ban hành 16/07/2007
Ngày có hiệu lực 23/07/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Ngô Đức Vượng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/2007/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 16 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2007 – 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI MỘT

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 12 tháng 7 năm 2001; Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1397/TTr ngày 27 tháng 6 năm 2007 của ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết về đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007 - 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành thông qua đề án đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007 - 2010. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:

I - CÁC MỤC TIÊU CHỦ YẾU ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG

GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

1. Mục tiêu chung:

- Nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chặn đứng và đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT). Tăng cường công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho mọi tầng lớp nhân dân khi tham gia giao thông, đồng thời có trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ các công trình giao thông.

- Phấn đấu giảm thiểu vững chắc tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông gây ra.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Năm 2007, phấn đấu giảm 30% số vụ TNGT, giảm 37,9% số người chết do TNGT gây ra so với năm 2006 theo chỉ tiêu của Chính phủ giao tại Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007.

- Từ năm 2008 trở đi phấn đấu thực hiện giảm 5% cả 3 chỉ tiêu về: Số vụ, số người chết và số người bị thương so với số tai nạn giao thông bình quân trong 5 năm 2002 - 2006 (số TNGT bình quân trong 5 năm 2002 - 2006 là: 174 vụ/năm. 147 người chết/năm, 120 người bị thương/năm).

- Xóa bỏ các “điểm đen” thường xảy ra TNGT. Kiên quyết loại bỏ phương tiện không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật tham gia giao thông. Xóa bỏ các bến bãi mở trái phép trên đường bộ, đường sông.

- Xây dựng các địa bàn, các khu dân cư đảm bảo ATGT, nhóm tự quản an toàn giao thông.

- Tập trung giải tỏa các vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, theo tinh thần Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-TU ngày 22 tháng 02 năm 2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

II - CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự ATGT cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong các nhà trường THCS, THPT, các trường Cao đẳng, Trung cấp, Đại học trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm làm chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành luật lệ của mọi người dân khi tham gia giao thông. Lấy địa bàn khu dân cư làm trọng điểm, hộ gia đình là cơ sở; xây dựng các khu dân cư an toàn, có sự cam kết không vi phạm Luật Giao thông của các hộ gia đình.

- Công tác thông tin, tuyên truyền phải làm thường xuyên, sâu rộng và phải thực hiện một cách trọng tâm, trọng điểm; cần kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, tăng cường hình thức đưa tin, bài, hình ảnh các vụ TNGT, những người vi phạm Luật Giao thông trên sóng truyền hình, tăng thời lượng phát sóng, mở chuyên mục ATGT. Thiết lập đường dây nóng để đưa các thông tin vi phạm về trật tự ATGT.

- Tăng cường hệ thống truyền thanh ở các xã, phường nhằm tuyên truyền giáo dục và phản ánh việc chấp hành Luật Giao thông và đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn.

2. Nâng cao vai trò trách nhiệm chỉ đạo của các cấp, các ngành đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT:

- Xác định đảm bảo ATGT, giảm tai nạn giao thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, lâu dài của tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đến cộng đồng dân cư, hộ gia đình.

- Kiện toàn Ban chỉ đạo ATGT các cấp, bảo đảm hoạt động có hiệu quả thiết thực.

[...]