Nghị quyết 115/NQ-HĐND năm 2022 thông qua Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025

Số hiệu 115/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/07/2022
Ngày có hiệu lực 09/07/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Xuân Ký
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 115/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 09 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội Khóa XV về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1689/QĐ-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2021 về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; số 319/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 về việc Quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; số 320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; số 321/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; số 652/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; số 653/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

Xét Tờ trình số 3909/TTr-UBND ngày 23/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025; Báo cáo thẩm tra số 128/BC-HĐND ngày 29/6/2022 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua nội dung cơ bản của Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 như sau:

1. Quan điểm

a) Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc, thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

b) Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của tỉnh và các địa phương. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống cư dân nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

c) Người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn theo tiêu chí của “hạnh phúc”. Nông dân Quảng Ninh phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, có trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, được tiếp cận các dịch vụ của đô thị.

d) Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với tăng trưởng xanh. Phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, cạnh tranh, khác biệt từng vùng, miền, địa phương của tỉnh, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

đ) Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, là quá trình thường xuyên không có điểm kết thúc. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn, gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Quảng Ninh, tăng cường tiềm lực và đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nhất là các địa bàn chiến lược trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc. Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân.

e) Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong hệ thống chính trị, sự hài lòng của người dân về những thành quả xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nhất là vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả theo mô hình tăng trưởng xanh, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Quảng Ninh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, khác biệt của từng vùng, từng địa phương. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể

(1) Đến hết năm 2022:

- Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

- Có thêm 04 địa phương cấp huyện (thành phố Hạ Long, huyện Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng tỷ lệ đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đạt 100%; trong đó, có 2/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (huyện Đầm Hà, Tiên Yên);

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ