Nghị quyết 115/NQ-CP năm 2018 thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023 do Chính phủ ban hành
Số hiệu | 115/NQ-CP |
Ngày ban hành | 31/08/2018 |
Ngày có hiệu lực | 31/08/2018 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Xuân Phúc |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 115/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2018 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2016 Quốc hội khóa XIV về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;
Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị tại văn bản số 956-CV/VPTW ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nghị quyết này quy định thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023 với nội dung sau:
1. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư
a) Chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió, điện mặt trời); đầu tư Dự án Thủy điện tính năng Bắc Ái; nghiên cứu Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná với quy mô phù hợp; ưu tiên xây dựng đồng bộ lưới điện truyền tải, tích hợp các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện.
b) Tạm dừng triển khai các dự án khai thác Titan:
- Đối với những khu vực có chứa quặng titan chưa bảo đảm điều kiện khai thác, ảnh hưởng môi trường thuộc “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2013 mà chưa cấp phép thăm dò, khai thác thì đưa vào khu vực dự trữ quốc gia để triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện;
- Đối với những dự án đã cấp phép, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận thống nhất với nhà đầu tư để có phương án xử lý phù hợp, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
c) Đồng ý chủ trương tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để triển khai thực hiện đầu tư Dự án thủy điện tích năng Bác Ái. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện.
d) Đồng ý bổ sung các khu du lịch Bình Tiên - Vĩnh Hy, Cà Ná - Mũi Dinh vào các khu du lịch quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 và Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
đ) Đồng ý bổ sung xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải vào danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
e) Đồng ý tỉnh Ninh Thuận được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện.
2. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu
a) Đồng ý chủ trương được hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp như quy định đối với các tỉnh Tây Nguyên. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính triển khai thực hiện.
b) Áp dụng tỷ lệ cho vay lại với mức 10% đối với một số dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA quan trọng, cấp bách của tỉnh thuộc các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện theo quy định.
c) Đồng ý chủ trương việc ngân sách trung ương bố trí 100% vốn đối ứng cho các dự án ODA phần cấp phát triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
đ) Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về quy mô Cảng tổng hợp Cà Ná trong Quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
e) Đồng ý chủ trương bố trí vốn hỗ trợ một phần cho 06 dự án quan trọng, cấp thiết do tỉnh đề nghị vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 do Quốc hội và Chính phủ phê duyệt, ban hành và khả năng cân đối nguồn vốn, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
g) Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận.
3. Cơ chế, chính sách về an sinh, xã hội
a) Đồng ý tạo điều kiện thuận lợi và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp về nước cho các sinh viên đã và đang học tập ngành công nghệ hạt nhân tại nước ngoài thuộc Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện.