Nghị quyết 110/NQ-CP năm 2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng do Chính phủ ban hành

Số hiệu 110/NQ-CP
Ngày ban hành 25/08/2018
Ngày có hiệu lực 25/08/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/NQ-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT NGHỊ:

Hoạt động đầu tư xây dựng đóng góp rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân và chịu sự Điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật, với nhiều nhóm thủ tục khác nhau thuộc trách nhiệm giải quyết của nhiều bộ, ngành và địa phương. Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện, công tác quản lý đầu tư xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả đầu tư, xây dựng, chất lượng công trình xây dựng được nâng cao hơn. Tuy nhiên, số lượng thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều, phức tạp, thời gian thực hiện còn dài; một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ, kịp thời.

Nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng; Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau:

I. HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ, CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, ĐƠN GIẢN HÓA ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ KINH DOANH, THÁO GỠ KỊP THỜI CÁC KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

1. Các bộ, ngành trung ương:

- Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị định, thông tư trong phạm vi được phân công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật, giữa nghị định với luật, giữa thông tư với nghị định trong các khâu: chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng bảo đảm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tháo gỡ kịp thời các bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là trong thủ tục hành chính, Điều kiện đầu tư kinh doanh.

Đề xuất tiến độ, nội dung sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đăng ký vào chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.

- Bộ Tư pháp tổng hợp đề xuất của các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Trong quá trình thẩm định chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, cần tập trung thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.

2. Trước mắt, cần tập trung hoàn thành một số công việc sau:

a) Bộ Xây dựng:

- Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Quy hoạch đô thị để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo Điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

- Khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; trình Chính phủ trong tháng 11 năm 2018.

- Triển khai đồng bộ, kịp thời Đề án đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng và Đề án đổi mới hệ thống định mức và giá xây dựng đã được phê duyệt để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, lãng phí.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, tính chủ động trong lập, thẩm định, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm; bảo đảm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật đầu tư công, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp theo hướng: sửa đổi quy định về phạm vi Điều chỉnh; nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư; đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư; ngành nghề ưu đãi đầu tư; ngành nghề kinh doanh có Điều kiện; thẩm quyền, thủ tục đầu tư; tiêu chí xác định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh... bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2019.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu theo hướng: sửa đổi quy trình, hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; sửa đổi nội dung quy định thực hiện đấu thầu tư vấn; mở rộng phạm vi chỉ định thầu đối với tư vấn lập quy hoạch xây dựng; sửa đổi nội dung về tiêu chuẩn xác định giá gói thầu, các nội dung liên quan đến hợp đồng xây dựng trong hoạt động đấu thầu xây dựng... nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục bất cập trong thực tiễn.

- Hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đầu tư công; Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

c) Bộ Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, tổng kết việc thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Ngân sách nhà nước; đề xuất phương án tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản này; báo cáo Chính phủ trong quý IV năm 2018.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung quy định về mức lãi suất vốn vay tại Thông tư số 75/2017/TT-BTC ngày 21 tháng 7 năm 2017 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đất đai theo hướng thống nhất về thời gian chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư; mở rộng các hình thức bảo đảm thực hiện dự án; đơn giản hóa Điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ trong quý I năm 2019.

[...]