Nghị quyết số 11/2001/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2001 do Chính Phủ ban hành

Số hiệu 11/2001/NQ-CP
Ngày ban hành 01/10/2001
Ngày có hiệu lực 16/10/2001
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2001/NQ-CP

Hà Nội , ngày 01 tháng 10 năm 2001

 

NGHỊ QUYẾT

CHÍNH PHỦ SỐ 11/2001/NQ-CP NGÀY 01 THÁNG 10 NĂM 2001PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 9 NĂM 2001

Trong ngày 26 và sáng 27 tháng 9 năm 2001, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 năm 2001, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1- Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày các báo cáo:

- Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2001 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002,

- Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005,

- Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2001 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2002,

- Báo cáo Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2000.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2001 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002, căn cứ diễn biến của 9 tháng đầu năm và dự báo tình hình những tháng còn lại, Chính phủ nhận định: Năm 2001, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển khá. Tuy có nhiều tác động khách quan không thuận do kinh tế thế giới giảm sút, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiên tai xảy ra trên nhiều vùng trong nước, đặc biệt là lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng đến sản xuất, thu hút vốn đầu tư và đời sống của nhân dân... nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, với tinh thần cố gắng liên tục, bền bỉ của các ngành các cấp, của các doanh nghiệp và nhân dân, các mục tiêu kế hoạch của năm 2001 có nhiều khả năng cơ bản hoàn thành. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, dự báo tuy đạt thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra, nhưng tăng nhiều so với năm 2000 và cao hơn mức đạt được của các nước trong khu vực; cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực, thuỷ sản phát triển mạnh, giá trị sản xuất công nghiệp và các sản phẩm chủ yếu đều tăng, hoạt động du lịch, dịch vụ khá sôi động; thu ngân sách duy trì ở mức tăng cao; các hoạt động văn hoá - xã hội, công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giáo dục đào tạo... đạt được nhiều kết quả khích lệ; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Kết quả đạt được đã làm tăng đáng kể năng lực và trình độ sản xuất của nền kinh tế, phát huy tính năng động và khả năng thích nghi tốt hơn với những biến động của thị trường trong nước và quốc tế.

Nhiệm vụ những tháng còn lại rất nặng nề, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp, chỉ đạo sản xuất, xuất khẩu và đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện cải cách hành chính Nhà nước đi vào chiều sâu, giữ vững ổn định an ninh, trật tự xã hội, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội; theo sát tình hình lũ lụt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long để có biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước, có kế hoạch sớm khôi phục sản xuất và đời sống của nhân dân sau lũ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đề án ghi trong Chương trình công tác năm 2001 của Chính phủ.

Về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2002, Chính phủ nhận định, tình hình sẽ khó khăn hơn năm 2001, cần phải xây dựng phương án phát triển có tính hiện thực, thể hiện quyết tâm phấn đấu cao, bố trí ngân sách nhà nước hợp lý, xác định rõ các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Các giải pháp cần tập trung vào việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng có hiệu quả, đổi mới các chính sách vĩ mô, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực điều hành và quản lý của các ngành, các cấp. Năm 2002 phải tập trung phấn đấu tạo được bước đột phá trên một số lĩnh vực quan trọng về: nâng cao hiệu quả, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; sắp xếp, đổi mới và phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước, huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, đầu tư hợp lý để chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế; ứng khoa học, công nghệ vào sản xuất và dịch vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện có hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo và giải quyết cơ bản một số vấn đề xã hội bức xúc.

Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, Phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 đã được Đại hội Đảng lần thứ IX thông qua với các nội dung cụ thể nhằm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh, mở rộng kinh tế đối ngoại; tạo chuyển biến mạnh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người, tạo nhiều việc làm, xoá đói giảm nghèo, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; tiếp tục tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, hình thành một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Chính phủ nhất trí đặt quyết tâm thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã được Đại hội Đảng thông qua. Cần đúc kết những bài học kinh nghiệm của 5 năm qua để áp dụng cho 5 năm tới, đặc biệt là các bài học về phát huy nội lực, xây dựng cơ chế, chính sách giải phóng năng lực sản xuất, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để phát triển đất nước. Trong xây dựng và điều hành kế hoạch hàng năm, Chính phủ sẽ căn cứ vào diễn biến của tình hình để có những điều chỉnh cụ thể về thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu của Kế hoạch. Các Bộ, ngành cần theo sát tình hình trong nước, cập nhật thường xuyên tình hình kinh tế, chính trị, những biến cố mới, phức tạp trên thế giới và khu vực để có phân tích, sớm dự báo cụ thể, trình Chính phủ xem xét điều chỉnh khi cần thiết.

Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2000.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh các báo cáo trên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội.

2- Chính phủ nghe quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trình bày về dự án Luật Thống kê; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Luật.

Chính phủ nhất trí thông qua dự án Luật này, giao Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)