Nghị quyết số 13/2001/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2001 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 13/2001/NQ-CP
Ngày ban hành 04/12/2001
Ngày có hiệu lực 19/12/2001
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2001/NQ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2001 

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 11 NĂM 2001

Trong buổi sáng ngày 29 và cả ngày 30 tháng 11 năm 2001, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2001, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Đề án chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản và ngành nghề nông thôn (Kế hoạch 2001 - 2005).

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn, đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ra từ nhiều năm nay. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án cụ thể và bước đầu đã đạt được một số kết quả. Tuy vậy, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch còn chậm, có xu hướng tự phát, sản xuất vẫn chưa bám sát diễn biến của thị trường, hiệu quả còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ nhất trí với các giải pháp đã nêu trong Đề án và nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần tập trung giải quyết ngay, đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn phải bảo đảm các yêu cầu: nhanh, hiệu quả và bền vững; cần tập trung thực hiện một số giải pháp có tính đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn như tạo điều kiện để nông dân sản xuất hàng hoá được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; giống, khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, có cơ chế đảm bảo cho nông dân được vay đủ vốn để phát triển sản xuất hàng hoá...; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải bảo đảm giải quyết đồng bộ trên cả ba vấn đề: nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Các Bộ, ngành cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, bổ sung, hoàn chỉnh Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định trong tháng 12 năm 2001.

 2. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Dự thảo ý kiến của Chính phủ về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện bản góp ý về 2 Dự án Luật trên, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ gửi Ban soạn thảo.

 3. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về Dự án Pháp lệnh Phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Công an tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Dự án Pháp lệnh, trong đó cần chú ý tới các biện pháp có tính khả thi để bảo đảm hiệu lực của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 4. Chính phủ đã nghe Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Dự án Luật Kế toán; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về Dự án Luật.

Kế toán là một trong các công cụ quan trọng để tính toán, xây dựng và kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành ngân sách nhà nước, điều hành và quản lý nền kinh tế quốc dân; là công cụ để các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức điều hành quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng kinh phí, tính toán kinh tế và kiểm tra, giám sát việc sử dụng vật tư, tài sản, tiền vốn và kinh phí. Việc nghiên cứu và xây dựng Luật Kế toán là để tạo ra khung pháp lý cao nhất và toàn diện nhất cho việc thực hiện công tác kế toán, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế tài chính Việt Nam.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh Dự án Luật trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi gửi lấy ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội.

5. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đọc Tờ trình Chính phủ về Dự án Pháp lệnh Đấu thầu; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về Dự án Pháp lệnh.

Đấu thầu là một lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm. Trong thời gian qua, việc tổ chức đấu thầu đã có hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập, thiếu kinh nghiệm, có nhiều tiêu cực, sơ hở, đang được dư luận xã hội rất quan tâm.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Dự án Pháp lệnh trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

6. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2001.

Tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm 2001 tiếp tục phát triển và ổn định, công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao; thu ngân sách vượt dự toán, tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước; một số lĩnh vực văn hoá xã hội có chuyển biến tích cực như chấn chỉnh các vi phạm trong các hoạt động dịch vụ văn hoá, thông tin, báo chí, công tác cứu trợ xã hội, thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm... Tuy nhiên, lĩnh vực xuất nhập khẩu, giải ngân tín dụng nhà nước rất khó khăn, một số tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, tai nạn giao thông... có xu hướng gia tăng.

Trong tháng 12, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung sức phấn đấu để thực hiện được kế hoạch đã đề ra, cần đặc biệt chú trọng đẩy mạnh các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản và dịch vụ trong đó tập trung vào khâu thương mại trong nước, vận tải, bưu chính viễn thông./.

 


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng,
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ,
- HĐND, UBND các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương,
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
- Toà án nhân dân tối cao,
- Cơ quan TW của các đoàn thể,
- Công báo,
- VPCP: BTCN, các PCN,các Vụ,
Cục, đơn vị trực thuộc,
- Lưu: TH (5), VT.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
 



Phan Văn Khải

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ