Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQH11 về việc tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 1039/2006/NQ-UBTVQH11
Ngày ban hành 28/08/2006
Ngày có hiệu lực 13/09/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

SỐ: 1039/2006/NQ-UBTVQH11

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội;
Căn cứ vào Luật phòng, chống tham nhũng;
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ;

QUYẾT NGHỊ:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

1. Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi là Ban chỉ đạo) do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

2. Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Điều 2

1. Trong quá trình chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng, Ban chỉ đạo tôn trọng và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định.

2. Ban chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; Trưởng Ban chỉ đạo kết luận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 3

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền chịu trách nhiệm thực hiện kịp thời, đầy đủ sự chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị của Ban chỉ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 4: Ban chỉ đạo có các nhiệm vụ sau đây:   

1. Chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền kiểm tra việc triển khai thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng;

2. Chỉ đạo, đôn đốc hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra; đôn đốc, chỉ đạo việc kiểm tra hoạt động truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nhằm góp phần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án thông qua hoạt động của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; những sơ hở, bất hợp lý của chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền đề ra biện pháp khắc phục, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp;

3. Chỉ đạo phối hợp hoạt động của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng, góp phần bảo đảm cho công tác này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;

4. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền trong việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và các thông tin về vụ, việc tham nhũng do các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện, cung cấp, đưa tin;

5. Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, cung cấp thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng và các vụ, việc tham nhũng cụ thể, bảo đảm việc tuyên truyền, thông tin được kịp thời, chính xác, trung thực, khách quan theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xử lý nghiêm những hành vi vi phạm việc quản lý, cung cấp thông tin, vi phạm Luật báo chí, những trường hợp báo chí thông tin sai sự thật và những hành vi lợi dụng việc tuyên truyền, thông tin về phòng, chống tham nhũng để vu khống người khác, gây mất đoàn kết nội bộ, mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước;

6. Tham mưu, đề xuất với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng trong từng thời gian và lĩnh vực thường xảy ra tham nhũng; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch và chủ trì tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng;

7. Định kỳ hoặc theo yêu cầu báo cáo Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ về tình hình và kết quả phòng, chống tham nhũng; công khai báo cáo hằng năm về công tác phòng, chống tham nhũng, về hoạt động của Ban chỉ đạo và về việc xử lý những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Điều 5: Ban chỉ đạo có các quyền hạn sau đây:

1. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền báo cáo về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; trong trường hợp cần thiết, yêu cầu báo cáo việc xử lý những vụ, việc tham nhũng cụ thể, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng;

2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiến nghị, yêu cầu với cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;

[...]