Nghị quyết 04/2007/NQ-HĐND về một số biện pháp cấp bách và cơ bản nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Số hiệu 04/2007/NQ-HĐND
Ngày ban hành 18/07/2007
Ngày có hiệu lực 28/07/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Thuận
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2007/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 18 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH VÀ CƠ BẢN NHẰM GIẢM THIỂU TAI NẠN GIAO THÔNG, CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XIII KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2005; Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Sau khi xem xét Tờ trình số 21/TTr-UB và Đề án số 3778/ĐA-UBND ngày 04/7/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về một số biện pháp cấp bách và cơ bản nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân thành phố thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành cơ bản Đề án của Ủy ban nhân dân thành phố về một số biện pháp cấp bách và cơ bản nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố; đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu và một số nhiệm vụ, biện pháp chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhằm giảm tai nạn giao thông, giảm thiệt hại về người và tài sản trong tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông và vi phạm pháp luật giao thông trên địa bàn thành phố.

Nâng cao nhận thức của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân về ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông ở mọi lúc, mọi nơi, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động giao thông vận tải và bảo vệ các công trình giao thông, chống mọi hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Nâng cao hiệu quả đầu tư, xây dựng cải tạo nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt là đường bộ, đường sắt, đường thủy để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

2. Một số nhiệm vụ, biện pháp chủ yếu.

a) Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông

- Tăng cường các biện pháp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở thành phố và các hình thức khác, phải có chương trình thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật an toàn giao thông. Phát động phong trào toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, vận động từng gia đình cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang và mọi người cam kết về việc thực hiện nghiêm pháp luật giao thông. Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp có trách nhiệm giáo dục cán bộ công chức, nhân viên của mình gương mẫu chấp hành pháp luật giao thông. Triển khai chương trình giáo dục về trật tự an toàn giao thông trong nhà trường ở tất cả các cấp học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Tuyên truyền triển khai việc đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường từ ngày 01/9/2007, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang gương mẫu thực hiện; tiến tới thực hiện đội mũ bảo hiểm và thực hiện triệt để, hiệu quả các quy định xử lý vi phạm theo lộ trình đã quy định tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ.

- Tổ chức việc thông báo đến các cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức đối với những người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông để kiểm điểm giáo dục.

- Các đoàn thể, các tổ chức xã hội, nhất là Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên thành phố cần chủ động, tích cực tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông bằng các chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể. Thành phố xem xét bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện các chương trình có tính khả thi và hiệu quả cao.

b) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông

- Tập trung hoàn thiện các quy hoạch tổng thể và chi tiết hệ thống giao thông, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy nội địa của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại (chú trọng hệ thống giao thông nông thôn) gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thành quy hoạch điều chỉnh hệ thống mạng lưới đường sắt đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

- Đầu tư xây dựng các công trình giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các cầu, đường, nút giao thông trọng điểm theo Nghị quyết về kinh tế- xã hội của HĐND thành phố năm 2007. Đồng thời nghiên cứu xây dựng hệ thống cầu vượt qua các điểm giao cắt với đường sắt trong nội thành, nâng cấp mở rộng tuyến đường trục của các huyện, xã... Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-HĐND12 khóa XII về lập lại trật tự an toàn giao thông vệ sinh môi trường và nếp sống văn minh đô thị; phối hợp chặt chẽ công tác bảo đảm an toàn giao thông với công tác bảo đảm trật tự đường hè, vệ sinh đô thị và tuyến đường kiểu mẫu.

- Rà soát bổ sung hệ thống cọc mốc chỉ giới, giải toả, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa. Hoàn thành Dự án đèn tín hiệu giao thông bằng nguồn vốn vay ODA trong năm 2007. Làm thí điểm việc lắp đặt hệ thống theo dõi giao thông tại các cửa ô ra vào thành phố và một số trục đường giao thông chính. Tiếp tục thực hiện dự án lắp đặt Camera tại 20 nút giao thông. Phấn đấu 100% các đường giao thông nông thôn có đầy đủ các biển báo hiệu giao thông. Xây dựng barie tại nút giao đường sắt, xóa bỏ và ngăn chặn kịp thời việc mở đường ngang trái phép qua đường quốc lộ và đường sắt trong năm 2009. Thực hiện báo hiệu giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, giải toả việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (cả đường sắt, bộ, đường thủy). Xóa bỏ 50% số đường đấu nối trái phép vào đường quốc lộ trước ngày 31/12/2008, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vào những năm tới. Xử lý triệt để các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông cao trên địa bàn thành phố trước ngày 31/12/2007; hoàn chỉnh hệ thống giảm tốc độ theo quy định của Cục Đường bộ Việt Nam đối với các đường giao cắt với đường quốc lộ, tỉnh lộ. Hoàn thành và đưa vào sử dụng khu tạm giữ phương tiện thủy nội địa vi phạm.

- Tổ chức rà soát và tổ chức phân luồng giao thông đô thị hợp lý; có cơ chế khuyến khích huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các tuyến xe buýt nhằm giảm bớt phương tiện của cá nhân tham gia giao thông. Lập dự án sử dụng xe buýt để đưa, đón các cháu học sinh đến trường học.

- Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm định kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông, công tác cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến giao thông trọng điểm; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông. Có biện pháp kiểm tra, thu hồi giấy phép lái xe đối với những người nghiện ma túy.

- Các ngành chức năng quản lý Nhà nước về giao thông phải xem xét, trả lời những ý kiến, kiến nghị của công dân về an toàn giao thông trong vòng 15 ngày.

c) Về biện pháp xử lý vi phạm, bảo đảm thực hiện.

- Tăng cường các lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố; áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát và xử lý vi phạm các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, giải quyết tình trạng mất trật tự tại các bến xe, tình trạng lấn chiếm vỉa hè và hành lang an toàn giao thông, hoạt động của các bến khách ngang sông, phương tiện chở khách và các cảng thủy nội địa trên địa bàn thành phố; giải quyết triệt để tình trạng các chợ cóc, chợ tạm đang làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

- Hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; kiên quyết thu hồi giấy phép lái xe đối với những lái xe gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; đình chỉ lưu hành ô tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, không đăng kiểm theo quy định.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ