Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND Quy định chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 03/2022/NQ-HĐND
Ngày ban hành 04/11/2022
Ngày có hiệu lực 13/11/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Xuân Ký
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2022/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 04 tháng 11 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CÁC XÃ, THÔN, BẢN THUỘC VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI, BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Xét Tờ trình số 5506/TTr-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết “Quy định chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu stại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu s, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022 - 2025; Báo cáo thẩm tra số 150/BC-HĐND ngày 28 tháng 10 năm 2022 của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận, thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025 (tại Phụ lục I, II).

2. Đối tượng áp dụng: Người dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn các xã, thôn, bản thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, trừ những người thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Điều 2. Nội dung trợ giúp pháp lý

Người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết này được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý

Thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, cụ thể như sau:

1. Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

2. Các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Tham gia tố tụng.

b) Tư vấn pháp luật.

c) Đại diện ngoài tố tụng.

Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý

1. Quyền của người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý (thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017), cụ thể như sau:

a) Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

b) Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

c) Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

d) Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

đ) Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

[...]