Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐND về kết quả giám sát Công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2018

Số hiệu 03/2019/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/07/2019
Ngày có hiệu lực 01/08/2019
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Xuân Sơn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2019/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 12 tháng 7 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CÔNG TÁC THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2016 - 2018

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Xét Tờ trình số 311/TTr-HĐND ngày 05 tháng 07 năm 2019 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; trên cơ sở xem xét Báo cáo số 158/BC-HĐND ngày 02 tháng 7 năm 2019 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát Công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2018 và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát số 158/BC-HĐND ngày 02 tháng 07 năm 2019 của Thường trực HĐND tỉnh về Công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2018 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 đạt được nhiều kết quả tích cực:

- Chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm xây dựng, phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành đề án “Tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020” (Quyết định số 5181/QĐ- UBND ngày 10/10/2014); Kế hoạch phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối chi ngân sách tỉnh Nghệ An đến năm 2020 (Quyết định số 2953/QĐ- UBND ngày 24/6/2016); kịp thời triển khai thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương; chủ động giao dự toán thu ngân sách nhà nước để các cấp, các ngành làm căn cứ triển khai thực hiện.

- UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tích cực để tập trung nỗ lực phấn đấu tăng thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng; Chỉ đạo ngành Thuế, ngành Hải quan thành lập các Ban chỉ đạo chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra về thu ngân sách nhà nước, tích cực phối hợp chống thất thu thuế. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành tập trung vào các lĩnh vực có dấu hiệu thất thu lớn; Thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế do lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban;

- Các Sở, ban, ngành chức năng liên quan như: Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; Tham mưu triển khai kịp thời đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thu ngân sách, các văn bản chỉ đạo điều hành thu ngân sách nhà nước; triển khai kịp thời, đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc thực hiện các quy trình quản lý thu ngân sách (lập, giao dự toán, đôn đốc thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước…); không ngừng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu ngân sách, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng bộ máy chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ; Chính quyền nhà nước cấp huyện và cấp xã đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành tốt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước hàng năm.

Với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, kết quả thu ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 đạt được như sau:

Năm 2016 đạt 11.005,6 tỷ đồng, bằng 107% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó thu nội địa đạt 9.887 tỷ đồng, bằng 109,7% dự toán, tăng 28,2% so với năm 2015;

Năm 2017 đạt 12.634 tỷ đồng, bằng 109% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó thu nội địa đạt 11.097 tỷ đồng, bằng 104,4% dự toán và tăng 12,2% so với năm 2016;

Năm 2018 đạt 14.031 tỷ đồng, bằng 110,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó thu nội địa đạt 12.461 tỷ đồng, bằng 109% dự toán và tăng 12,3% so với năm 2017.

2. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát cho thấy công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong những năm qua vẫn còn một số tồn tại, đó là:

- Tốc độ tăng thu ngân sách chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là trong lĩnh vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh. Thu nội địa tuy có tăng nhưng chưa ổn định và bền vững, chủ yếu từ thu tiền sử dụng đất và các khoản thu không cố định. Nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất thì số thu nội địa năm 2017, 2018 không hoàn thành dự toán được giao; Cụ thể: Năm 2016: 7.625 tỷ đồng, bằng 101,5% dự toán và tăng 13,9%; năm 2017: 8.328 tỷ, bằng 96,5% dự toán và tăng 9,2%; năm 2018: 8.947 tỷ, bằng 94,9% dự toán và tăng 7,5%; Trong cơ cấu thu nội địa, các khoản thu thường xuyên như Thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, Thu từ doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng thấp và tăng trưởng không ổn định. Nợ đọng thuế còn rất lớn và có xu hướng tăng hằng năm: Năm 2016 là 791 tỷ đồng, năm 2018 là 1.076 tỷ đồng, tăng số tuyệt đối so với 2016 là 285 tỷ, trong đó nợ khó thu tăng nhanh, chiếm tỷ trọng gần 50% trong tổng số nợ đọng thuế (năm 2016 là 282 tỷ đồng, năm 2018 là 453 tỷ, tăng số tuyệt đối so với 2016 là 171 tỷ đồng).

- Công tác lập dự toán chưa sát với định hướng mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, chưa sát định hướng tăng thu hàng năm của Bộ Tài chính, chưa bao quát hết các nguồn thu.

- Công tác quản lý thuế, phí, lệ phí còn gặp nhiều khó khăn; còn tình trạng nhiều doanh nghiệp trốn thuế bằng nhiều hình thức. Sự phối hợp quản lý thu ngân sách trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải chưa chặt chẽ, thất thu còn khá lớn. Quản lý thu từ hộ kinh doanh cá thể chưa sát thực tế cả về số hộ kinh doanh và doanh thu tính thuế. Công tác ủy nhiệm thu qua bưu điện một số nơi thực hiện chưa tốt; Quản lý thông tin người nộp thuế của cơ quan thuế chưa đầy đủ; Việc công khai thuế tại các phường, xã nhiều địa phương còn hình thức. Kết quả chống thất thu, thu hồi nợ đọng nhiều lĩnh vực chưa hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra tuy đã cố gắng nhưng chưa bao quát hết các đối tượng thu; Xử lý các sai phạm chưa mang lại hiệu quả răn đe để hạn chế các vi phạm về thu ngân sách.

3. Những tồn tại, hạn chế nêu trên do các nguyên nhân sau:

Các quy định của Trung ương về thuế còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến công tác quản lý; Cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm có những mặt chưa phù hợp dẫn đến nhiều nơi, nhiều lúc bị người nộp thuế lợi dụng. Ý thức chấp hành pháp luật về thuế của nhiều chủ doanh nghiệp, cá nhân hộ kinh doanh chưa cao. Năng lực sản xuất kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương tuy đã quan tâm nhưng chưa thực sự đồng bộ, quyết liệt; Sự phối hợp trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước của các ngành có lúc chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao; Công tác tuyên truyền vẫn chưa thường xuyên, sâu rộng, chưa nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước.

Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Nhiệm vụ và giải pháp chung:

- Rà soát các chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2015 - 2020; các Đề án tăng thu, Đề án chống thất thu của tỉnh để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp tăng cường quản lý, khai thác nguồn thu, đảm bảo nguồn cân đối ngân sách nhà nước tại địa phương. Tập trung phấn đấu tăng thu ngân sách đạt mức cao nhất so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; Tích cực rà soát các khoản còn thất thu, các khoản nợ đọng để đưa vào chỉ tiêu giao dự toán hàng năm. Hạn chế tình trạng hụt thu cân đối ngân sách nhà nước tại địa phương làm ảnh hưởng tới thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách.

- Hoàn thiện cơ chế phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) theo hướng vừa đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách tỉnh, vừa phát huy tính tích cực của các địa phương trong việc phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước; đảm bảo ổn định số bổ sung cân đối ngân sách cấp huyện và cấp xã trong thời kỳ ổn định ngân sách, nhằm khuyến khích các địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước. Thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường.

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư nhất là ưu tiên đầu tư cho các loại hình sản xuất kinh doanh mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương. Có cơ chế khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước; Có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển kinh tế hộ tư nhân, khuyến khích chuyển kinh tế hộ thành doanh nghiệp.

- Ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước liên quan đến các hoạt động quản lý thu ngân sách nhà nước (như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Quản lý thị trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công an, Biên phòng,...) với Cục Thuế, Hải quan để quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước, tích cực chống buôn lậu và gian lận thương mại có hiệu quả.

[...]