Nghị quyết số 02/1997/NQ-QH9 về kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa IX do của Quốc Hội ban hành

Số hiệu 02/1997/NQ-QH9
Ngày ban hành 10/05/1997
Ngày có hiệu lực 25/05/1997
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/1997/NQ-QH9

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 1997

 

NGHỊ QUYẾT

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(kỳ họp thứ 11, quốc hội khoá IX)

Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Trên cơ sở xem xét các báo cáo, tờ trình của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ

I- VỀ CÔNG TÁC NHIỆM KỲ KHOÁ IX CỦA QUỐC HỘI

1- Những kết quả đạt được

Trong nhiệm kỳ khoá IX, Quốc hội đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc tập trung dân chủ được tôn trọng, dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội được phát huy. Tính hình thức trong hoạt động của Quốc hội đã giảm dần. Niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội được nâng lên.

a) Hoạt động của Quốc hội đã được tăng cường, nhiều mặt đạt kết quả tốt, nhất là về công tác lập pháp:

Quốc hội đã ban hành nhiều luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều pháp lệnh. Các luật, pháp lệnh này đã thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992; từng bước góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Các quyết định về những vấn đề quan trọng của đất nước như kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao, điều chỉnh địa giới hành chính đã được thực hiện ngày càng có hiệu quả.

Hoạt động giám sát được tăng cường, nội dung tương đối toàn diện, hình thức được cải tiến, kết hợp chặt chẽ giữa việc nghe báo cáo, nghe trả lời chất vấn với việc cử đoàn công tác giám sát ở các bộ, ngành, các địa phương, cơ sở và một số cơ quan đại diện của nước ta ở nước ngoài. Một số kết quả của hoạt động giám sát đã góp phần vào việc xem xét, thông qua hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật.

Các kiến nghị của cử tri trong cả nước đã được đại biểu Quốc hội lắng nghe và kịp thời phản ảnh, được các cơ quan Nhà nước nghiên cứu, giải quyết từng bước và được tổng hợp để trình Quốc hội xem xét.

Hoạt động đối ngoại được thực hiện có hiệu quả theo đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác quốc tế và chính sách rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá.

b) Tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội đã có những đổi mới:

Tổ chức các cơ quan Quốc hội được đổi mới theo Hiến pháp năm 1992. Chất lượng đại biểu Quốc hội được nâng lên, cơ cấu đại biểu bố trí tương đối hợp lý. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được tăng thêm. Hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội được đẩy mạnh.

Các cơ quan Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước trong việc chuẩn bị nội dung các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội và nhiều công tác quan trọng khác; đồng thời, tiến hành giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Quốc hội đã tăng cường mối quan hệ với nhân dân, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Các đại biểu Quốc hội đã thường xuyên báo cáo kết quả hoạt động của Quốc hội, tiếp xúc và lắng nghe ý kiến cử tri; tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia xây dựng chính quyền và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Mỗi quan hệ giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội với Hội đồng nhân dân và các cơ quan hữu quan ở địa phương ngày càng chặt chẽ hơn.

2- Những thiếu sót, tồn tại

a) Trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, trên một số mặt hoạt động, hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức:

Công tác xây dựng pháp luật còn thiếu chủ động, thiếu đồng bộ. Quốc hội chưa có chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ, chương trình xây dựng pháp luật hàng năm thường phải điều chỉnh. Chất lượng một số luật, pháp lệnh chưa cao, có những điều khoản chỉ mới dừng lại ở quy định chung, phải chờ văn bản hướng dẫn mới thực hiện được. Công tác tuyên truyền, giải thích, phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật còn nhiều yếu kèm.

Việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về ngân sách Nhà nước có lúc còn mang tính hình thức. Công tác thẩm tra của các cơ quan Quốc hội về lĩnh vực này còn nhiều hạn chế.

Hoạt động giám sát còn yếu, hiệu quả chưa cao. Nhiều kiến nghị thông qua hoạt động giám sát chưa được các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết kịp thời. Chưa có luật giám sát để quy định cơ chế và phương thức giám sát cụ thể.

Việc giám sát các cơ quan tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bắt, giam, tha, chưa được quan tâm đúng mức. Giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu đạt kết quả thấp.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tuy đã có cố gắng, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

b) Tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội tuy đã có đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu:

Một số đại biểu Quốc hội chưa dành thời gian cần thiết cho hoạt động của Quốc hội. Chưa thường xuyên tiếp xúc với cử tri và chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thi hành các nghị quyết của Quốc hội.

Số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách còn ít. Các cơ quan của Quốc hội chưa đủ điều kiện đi sâu nghiên cứu, xem xét một số lĩnh vực quan trọng như ngân sách Nhà nước, hoạt động tư pháp, công tác dân nguyện. Phương thức tiến hành các kỳ họp Quốc hội cần được cải tiến nhiều hơn nữa.

[...]