TỔNG
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/NQ-ĐCT
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 11
năm 2015
|
NGHỊ QUYẾT
CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM VỀ ĐẨY MẠNH ĐỐI THOẠI TẠI CƠ SỞ KHU VỰC DOANH NGHIỆP
Đối thoại tại nơi làm việc được quy định
tại Bộ Luật Lao động năm 2012 và được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định
số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013. Mục đích của đối thoại là nhằm chia sẻ thông
tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động, góp
Phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Để các cấp công
đoàn chủ động tham gia có hiệu quả việc tổ chức đối thoại trong doanh nghiệp,
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh
đối thoại tại cơ sở khu vực doanh nghiệp” với các nội dung sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỐI THOẠI
TRONG DOANH NGHIỆP
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị
định 60/2013/NĐ-CP, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) đã ban
hành các văn bản hướng dẫn; tổ chức, triển khai quán triệt, tập huấn cho cán bộ
công đoàn các cấp. Trên cơ sở hướng dẫn của Tổng Liên đoàn, các cấp công đoàn
đã tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ công đoàn và người
lao động. Phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tiến hành tổ chức phổ
biến, quán triệt đến người sử dụng lao động về ý nghĩa, tác dụng của việc đối
thoại tại nơi làm việc; một số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa
hướng dẫn của Tổng Liên đoàn, tổ chức tập huấn kỹ năng về xây dựng quy chế, quy
trình tổ chức đối thoại giúp công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng
lao động tổ chức đối thoại; chỉ đạo làm mẫu, làm điểm tại
một số doanh nghiệp, rút kinh nghiệm chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn.
Đến nay số doanh
nghiệp thực hiện đối thoại có xu hướng ngày càng tăng, nội dung hình thức đối
thoại ngày càng đi vào thực chất. Vì vậy đối thoại tại doanh nghiệp thời gian
qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, kịp thời giải quyết được những vấn đề bức
xúc của người lao động, xử lý những vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, góp Phần tăng cường sự hiểu biết, cảm
thông và chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động, thiết lập quan
hệ lao động hài hòa làm cho sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được,
đối thoại tại doanh nghiệp thời gian qua vẫn còn một số tồn tại như: Số doanh
nghiệp có tổ chức công đoàn chưa tổ chức đối thoại còn chiếm
tỷ lệ cao; việc thực hiện đối thoại chưa đúng trình tự, thủ
tục quy định của pháp luật. Năng lực cán bộ công đoàn cơ sở còn hạn chế; chưa chủ động trong chuẩn bị nội dung và đề xuất
tổ chức đối thoại; nhiều nơi chưa bầu
được thành viên đối thoại, chưa xây dựng và ban hành quy chế đối thoại; nhiều nội dung quy định về đối thoại tại doanh nghiệp trong Nghị định số
60/2013/NĐ-CP chưa rõ, thiếu linh hoạt và cứng nhắc, làm cho việc thực hiện khó
khăn.
Nguyên nhân những tồn tại trên là do: Một số cấp ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố vẫn coi việc thực hiện quy chế dân chủ nói chung, tổ chức
đối thoại nói riêng là của Công đoàn, có biểu hiện “khoán
trắng” cho Công đoàn, chưa thường xuyên tuyên truyền, quán triệt quy định của
pháp luật về đối thoại cho người sử dụng lao động, thiếu
kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đối thoại tại doanh nghiệp.
Nhiều nơi chưa tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng đối thoại cho cán bộ công
đoàn cơ sở. Công đoàn cấp trên trực tiếp chưa sâu sát cơ sở, chưa hỗ trợ tư vấn giúp đỡ cơ sở khi gặp khó khăn, vướng mắc
trong đối thoại. Một số quy định của pháp luật về đối thoại còn chưa linh hoạt,
cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tiễn.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
- Đối thoại giữa người sử dụng lao động
và tập thể người lao động nhằm tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ thông tin giữa
các bên trong quan hệ lao động và là yếu tố quan trọng góp Phần xây dựng quan hệ
lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
- Đối thoại phải được tiến hành thường
xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng và mềm dẻo. Ưu tiên đối thoại đột
xuất và những vấn đề bức xúc, cấp thiết liên quan tới người lao động và các bên
trong quan hệ lao động.
- Công đoàn phải luôn chủ động trong
chuẩn bị nội dung đối thoại, đề xuất
hình thức đối thoại, kiểm tra giám sát thực hiện kết quả đối thoại. Đối thoại phải kịp thời ngay khi phát
sinh những mâu thuẫn, bất đồng nhỏ.
2. Mục tiêu
- Nâng cao nhận thức của người lao động,
người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn, tạo chuyển biến tích cực về vai
trò, ý nghĩa, tác dụng của đối thoại tại doanh nghiệp.
- Từng bước đưa đối thoại trở thành
việc làm thường xuyên, chủ động của tổ chức công đoàn.
- Thông qua đối thoại, góp Phần xây dựng
quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, nâng cao vị thế
của tổ chức công đoàn.
3. Một số chỉ tiêu phấn đấu đến
năm 2020
- Phấn đấu có 100% số doanh nghiệp có
tổ chức công đoàn được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đối
thoại tại doanh nghiệp.
- Có 70% trở lên số doanh nghiệp có tổ
chức công đoàn xây dựng và ban hành được quy chế đối thoại tại doanh nghiệp.
- Phấn đấu có 90% trở lên số doanh
nghiệp có tổ chức công đoàn, tổ chức hội nghị người lao động, bầu được thành
viên đối thoại và thành lập được tổ đối thoại; 100% thành viên đối thoại được tập
huấn kỹ năng đối thoại.
- Có 100% số doanh
nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức được đối thoại đột xuất khi có vấn đề phát
sinh.
III. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP
1. Chủ động tham mưu đề xuất với cấp
ủy, chuyên môn đồng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đối thoại tại doanh
nghiệp
- Công đoàn các cấp thông qua Ban chỉ
đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tham mưu cho cấp ủy đảng trong lãnh đạo,
chỉ đạo việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đối thoại tại
doanh nghiệp; kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện. Định kỳ báo cáo với cấp
ủy đảng về tình hình thực hiện đối thoại tại doanh nghiệp.
- Phối hợp với chính quyền đồng cấp
hàng năm có kế hoạch chỉ đạo việc tổ chức đối thoại tại cơ sở; phối hợp tổ chức
tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp thực hiện quy định
pháp luật về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
2. Đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều
hình thức để cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động
và người sử dụng lao động nhận thức được lợi ích và
trách nhiệm tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp
- Sử dụng có hiệu quả các phương tiện
thông tin đại chúng ở Trung ương, địa
phương và cơ sở để tuyên truyền chính sách, pháp luật, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành, về đối thoại tại doanh nghiệp.
- Đổi mới nội dung và hình thức tuyên
truyền về công tác đối thoại như biên tập tờ gấp, sổ tay, bài viết, mẩu chuyện
giúp người lao động, các bên trong quan hệ lao động hiểu được ý nghĩa, vai trò
và sự cần thiết của đối thoại trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
- Tổ chức để công đoàn cơ sở nơi thực
hiện tốt đối thoại tại doanh nghiệp tham gia tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kinh
nghiệm cho những nơi chưa tổ chức đối thoại hoặc đối thoại chưa có hiệu quả.
3. Xây dựng, ban hành bộ tài liệu
tập huấn kỹ năng tham gia đối thoại trang bị cho
cán bộ công đoàn cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng và năng lực cho thành
viên đối thoại và tổ đối thoại
- Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành và tham khảo kinh nghiệm trong và ngoài nước biên tập bộ tài liệu dùng cho tập huấn, vừa là cẩm nang nhằm cung cấp cho cán bộ công đoàn kỹ năng đối thoại đạt được hiệu quả cao.
- Để nâng cao chất lượng thành viên
tham gia đối thoại, công đoàn cơ sở cần phối hợp với người sử dụng lao động lựa
chọn những người lao động có hiểu biết về pháp luật lao động và công đoàn, chế
độ chính sách đối với người lao động, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp; hiểu biết về tình hình sản xuất
kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, việc làm của người lao động và được người lao động tín nhiệm; có khả năng
thuyết trình, thuyết phục hoặc phản biện để bầu làm thành viên đối thoại.
- Tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ
năng đối thoại cho các thành viên đối thoại; tổ chức các hội
nghị, hội thảo, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm giữa những đơn vị làm tốt và có nhiều kinh nghiệm đối thoại với đơn vị chưa có
kinh nghiệm để các thành viên đối thoại nắm bắt và tích
lũy thông tin, kiến thức đối thoại.
- Căn cứ nội dung đối thoại để thành lập tổ đối thoại cho phù hợp, nhằm
phát huy cao nhất năng lực, trình độ và sở trường của từng thành viên tổ đối thoại để đạt được Mục tiêu đề ra.
4. Công đoàn cơ sở chủ động đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại
- Đề xuất với người sử dụng lao động
xây dựng và ban hành quy chế đối thoại. Việc xây dựng quy chế đối thoại phải
phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp và tuân thủ các quy định hiện
hành của pháp luật có liên quan.
- Chủ động đề nghị công đoàn cấp trên
tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình chuẩn bị nội dung đối thoại và trong thời
gian đối thoại.
- Thường xuyên đi sâu đi sát lắng
nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động, tổ chức các kênh thông tin thu, nhận
các kiến nghị và đề xuất của người lao động liên quan đến nội dung đối thoại
theo quy định pháp luật bảo đảm linh hoạt, chính xác và kịp thời.
- Chủ động chuẩn bị nội dung đối thoại,
phân loại nội dung ưu tiên đối thoại và đề nghị người sử dụng lao động tổ chức
đối thoại. Đối với những vấn đề bức xúc cần giải quyết ngay thì đề nghị tổ chức
đối thoại đột xuất.
5. Tăng cường tổ chức tư vấn, giúp
đỡ hỗ trợ công đoàn cơ sở trong quá trình tổ chức đối
thoại tại doanh nghiệp
- Công đoàn cấp trên, các Trung tâm
tư vấn pháp luật của Công đoàn có trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn cho công đoàn cơ sở
khi có yêu cầu. Khi cần thiết cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ công đoàn cơ sở khi cuộc
đối thoại có nội dung phức tạp mà công đoàn cơ sở thiếu thông tin để trao đổi với người sử dụng lao động.
- Tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi
kinh nghiệm về đối thoại và cung cấp thông tin, tài liệu cho các công đoàn cơ sở.
6. Coi trọng công tác kiểm tra,
giám sát, tổ chức sơ, tổng kết đánh giá định kỳ,
phát hiện điển hình tiên tiến phổ biến nhân rộng
- Định kỳ và đột xuất kiểm tra, giám
sát việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về đối thoại tại doanh
nghiệp. Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện kết quả các kỳ đối thoại.
- Các cấp công đoàn định kỳ sơ, tổng
kết làm rõ những ưu điểm và tồn tại, hạn chế, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm
trong tổ chức đối thoại. Phát hiện điển hình tiên tiến kịp thời khen thưởng, biểu
dương, phổ biến và nhân rộng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam
- Tham gia với Chính phủ, Ban Chỉ đạo
Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các Bộ, ngành liên quan
trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đối thoại
tại doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện tốt quy định hiện hành
về đối thoại tại doanh nghiệp.
- Chỉ đạo công đoàn các cấp tổ chức
tuyên truyền các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng và thực hiện quy
chế dân chủ ở cơ sở nói chung và tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp nói riêng.
- Ban hành văn bản hướng dẫn công
đoàn tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp. Xây dựng và ban
hành mẫu quy chế đối thoại; sổ tay đối thoại dành cho cán bộ công đoàn cơ sở.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo giảng
viên kiêm chức về kỹ năng đối thoại cho các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố,
Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng
Liên đoàn.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá các cấp
công đoàn trong việc thực hiện quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tổng
Liên đoàn về đối thoại tại doanh nghiệp.
- Định kỳ sơ, tổng kết đánh giá tình
hình công đoàn tham gia tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp
2. Các Liên đoàn Lao động tỉnh,
thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn tổng công ty trực
thuộc Tổng Liên đoàn
- Tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền
đồng cấp có văn bản chỉ đạo đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động
nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đối thoại tại doanh nghiệp.
- Phổ biến Nghị quyết tới các cấp
công đoàn; căn cứ Nghị quyết này, xây dựng Chương trình, kế hoạch triển khai thực
hiện Nghị quyết này để đưa Nghị quyết vào thực tiễn hoạt động công đoàn.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ công
đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cán bộ công đoàn cơ sở trực thuộc năng lực và
kỹ năng đối thoại. Lựa chọn tập thể,
cá nhân điển hình, tiêu biểu về tham gia tổ chức đối thoại để phổ biến kinh
nghiệm và nhân rộng.
- Hàng năm tổng hợp, báo cáo tình
hình công đoàn tham gia tổ chức đối thoại tại các doanh nghiệp về Tổng Liên
đoàn.
3. Các công đoàn cấp trên cơ sở
- Hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ công
đoàn cơ sở chủ động tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng, ban
hành quy chế đối thoại, tổ chức đối
thoại định kỳ, đối thoại đột xuất tại doanh nghiệp bảo đảm thực chất, hiệu quả.
- Tham gia cùng với công đoàn cấp
trên tiến hành kiểm tra, khảo sát tình hình công đoàn tham gia tổ chức đối thoại
tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
- Đối với doanh nghiệp chưa thành lập
công đoàn cơ sở, khi có yêu cầu của tập thể người lao động, công đoàn cấp trên
trực tiếp cơ sở có trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động tham gia, phối
hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp.
- Định kỳ hàng năm báo cáo công đoàn
cấp trên trực tiếp về kết quả công đoàn tham gia đối thoại tại doanh nghiệp.
Nghị quyết này được triển khai thực
hiện ở các cấp công đoàn. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc
thì liên hệ với Ban Chính sách Kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng, Tổng
Liên đoàn để được hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo thực hiện
QCDC TW (báo cáo)
- Các Ủy viên ĐCT;
- Các Ban, đơn vị thuộc TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, TP trực thuộc TLĐ;
- Các CĐ ngành TW và tương đương;
- Lưu VP, CSKTXH&TĐKT.
|
TM.
ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH
Đặng Ngọc Tùng
|