Quyết định 3597/2004/QĐ-BTC về Quy chế đối thoại với đối tượng nộp thuế và người khai hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 3597/2004/QĐ-BTC
Ngày ban hành 04/11/2004
Ngày có hiệu lực 19/11/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3597/2004/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 3597/2004/QĐ-BTC NGÀY 04 THÁNG 11 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐỐI THOẠI VỚI ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ VÀ NGƯỜI KHAI HẢI QUAN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “Quy chế đối thoại với đối tượng nộp thuế và người khai hải quan” để áp dụng trong nội bộ ngành Tài chính.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

ĐỐI THOẠI VỚI ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ VÀ NGƯỜI KHAI HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3597/QĐ-BTC ngày 4 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, phương thức, phạm vi và thời gian đối thoại với đối tượng nộp thuế và người khai hải quan về lĩnh vực thuế và hải quan (sau đây gọi tắt là đối thoại).

Quy chế này mang tính độc lập tương đối, không thay thế cho Quy chế giải quyết công việc hành chính hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực thuế và hải quan.

Điều 2.

Đối thoại là việc cơ quan Thuế, Hải quan tiếp xúc trực tiếp với đối tượng nộp thuế và người khai hải quan nhằm: tiếp nhận các thông tin về tình hình thực hiện các chính sách thuế, hải quan; phát hiện các vướng mắc trong tổ chức thực hiện; những sai phạm của cán bộ, công chức, cơ quan Thuế, Hải quan để giải quyết ngay các vướng mắc theo thẩm quyền; đề xuất với cấp trên sửa đổi, bổ sung chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, thiếu sót của cấp dưới nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hoá của doanh nghiệp, cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Thông qua đối thoại, cơ quan Thuế, Hải quan các cấp cung cấp kịp thời cho đối tượng nộp thuế và người khai hải quan các thông tin mới về chính sách, chế độ, về quy trình, thủ tục quản lý, kiểm tra, giám sát; về kết quả xử lý kiến nghị, giải quyết vướng mắc phát sinh,... nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp; tạo điều kiện hỗ trợ, phục vụ tích cực cho doanh nghiệp tự giác chấp hành, thực hiện đúng chính sách, pháp luật về thuế và hải quan.

Điều 3.

Đối thoại vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, người khai hải quan trong việc phản ánh tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn, tham gia đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, cải tiến quy trình, thủ tục quản lý thuế, hải quan.

Đối thoại là nhiệm vụ bắt buộc, thường xuyên của cơ quan Thuế, Hải quan các cấp; là một trong những nội dung trọng tâm của cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phù hợp với hướng chuyển từ cơ chế quản lý áp đặt sang cơ chế cung cấp thông tin, dịch vụ hỗ trợ, phục vụ tốt đối tượng nộp thuế và người khai hải quan.

Điều 4.

Việc tổ chức đối thoại phải đảm bảo thuận tiện, công khai, dân chủ, trên tinh thần hợp tác, xây dựng và có hiệu quả thiết thực. Tất cả các kiến nghị đều phải được ghi nhận, tổng hợp để trả lời và thông tin lại cho tổ chức, cá nhân nêu ý kiến tham gia đối thoại một cách kịp thời, đầy đủ, phù hợp với điều kiện trang thiết bị và phương tiện thông tin hiện có.

Thông qua công tác quản lý thu thuế và kiểm tra, giám sát hải quan; công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ đối tượng nộp thuế; công tác của Tổ giải quyết vướng mắc tại chỗ, cơ quan Thuế và Hải quan các cấp có biện pháp nắm bắt kịp thời, đầy đủ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và nhu cầu hỗ trợ thông tin của doanh nghiệp để chủ động tổ chức các cuộc đối thoại.

Điều 5.

Căn cứ vào nhu cầu thực tế cần đối thoại và tính chất, nội dung đối thoại, cơ quan Thuế, Hải quan các cấp có thể tự tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan khác cùng tổ chức đối thoại với đối tượng nộp thuế và người khai hải quan trong phạm vi địa bàn.

[...]