Thông tư 04-LĐ/TT-1975 hướng dẫn việc đăng ký lao động cho công dân trong tuổi lao động, cấp thẻ lao động cho công dân đang có việc làm do Bộ lao động ban hành

Số hiệu 04-LĐ/TT
Ngày ban hành 15/02/1975
Ngày có hiệu lực 02/03/1975
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Thọ Chân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 1975

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 04-LĐ/TT NGÀY 15 THÁNG 2 NĂM 1975 HƯỚNG DẪN VIỆC ĐĂNG KÝ LAO ĐỘNG CHO CÔNG DÂN TRONG TUỔI LAO ĐỘNG, CẤP THẺ LAO ĐỘNG CHO CÔNG DÂN ĐANG CÓ VIỆC LÀM   

Thi hành Nghị định số 97-CP ngày 2 tháng 5 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ và nghị quyết của Thường vụ Hội đồng Chính phủ họp ngày 5 tháng 12 năm 1974 (thông báo số 86-TB ngày 20 tháng 12 năm 1974) về việc đăng ký lao động, cấp sổ lao động và cấp thẻ lao động cho công dân trong tuổi lao động có sức lao động, Bộ Lao động hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành đăng ký lao động, cấp thẻ lao động.

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

Đăng ký lao động đối với công dân trong tuổi lao động, có sức lao động nhằm tăng cường quản lý lao động xã hội, bảo đảm cho chính quyền từ cơ sở (xã, khu phố) nắm chắc được lực lượng lao động xã hội; từng bước sắp xếp việc làm cho những người trong tuổi lao động có sức lao động nhằm thực hiện nghĩa vụ lao động và quyền làm việc của công dân; quản lý lao động đến từng người, hiểu rõ về nghề nghiệp, sức khoẻ, trình độ văn hoá và tình hình làm việc của công dân có sức lao động, làm cơ sở cho việc nghiên cứu phân tích đặc điểm lao động từng vùng kinh tế, từng địa phương để có kế hoạch phân bổ, điều phối, động viên, sử dụng hợp lý sức lao động xã hội, làm cho mọi người đều có thể tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng và xây dựng hạnh phúc riêng.

Cấp thẻ lao động cho tất cả công dân trong tuổi lao động đang làm việc, kết hợp với quản lý lương thực, quản lý thị trường và trật tự trị an, chống làm ăn phi pháp, để đưa tất cả mọi người vào làm ăn chính đáng, bài trừ tận gốc mọi tệ nạn xã hội.

Vì vậy đăng ký và cấp thẻ lao động có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội đáp ứng yêu cầu trước mắt, đồng thời là cơ sở lâu dài để từng bước phân bổ và tổ chức lại lao động toàn xã hội.

Sau đây là những quy định cụ thể.

II. ĐĂNG KÝ LAO ĐỘNG

Đăng ký lao động là chế độ để quản lý người lao động tại xã, khu phố nơi mà người lao động đang cư trú chính thức.

1- Nội dung đăng ký lao động:

Nội dung đăng ký lao động theo mẫu tờ khai thống nhất do Bộ Lao động ban hành, bao gồm:

- Họ và tên...

- Ngày tháng, năm sinh... Nam, nữ....

- Quê quán, dân tộc...

- Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú... - Nghề nghiệp và chức vụ đang làm....

- Nơi làm việc (tổ chức nào hay cá thể, ở đâu)...

- Nghề nghiệp chính...

- Trình độ văn hoá...

- Sức khoẻ...

- Khi cần báo tin cho ai, ở đâu...

- Số giấy chứng minh hay căn cước...

- Lời cam đoan và ký tên hoặc điểm chi...

2- Đối tượng đăng ký lao động:

Tất cả công dân Việt Nam trong tuổi lao động: Nam từ 16 đến 60 tuổi, nữ từ 16 đến 55 tuổi và những người trên độ tuổi lao động vẫn còn là lao động chính đều phải đăng ký lao động, bao gồm:

a) Công nhân, viên chức Nhà nước, kể cả công nhân viên quốc phòng và công an, cán bộ, nhân viên chuyên trách công tác Đảng, đoàn thể, thanh niên xung phong tại ngũ;

b) Xã viên các loại hợp tác xã, tổ viên các tổ hợp tác, tổ phục vụ; những người làm ăn riêng lẻ, kể cả công nhân viên chức về nghỉ mất sức đã phục hồi sức khoẻ, bộ đội phục viên (gọi tắt là những người thuộc khu vực tập thể và cá thể);

c) Học sinh các trường phổ thông, các trường đại học, trung học, sơ cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, trưởng Đảng, đoàn thể theo hệ chính quy, dài hạn;

[...]