Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 49/2008/TT-BTC hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế, người khai hải quan do hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuế, cán bộ, công chức hải quan trong khi thi hành công vụ gây ra do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 49/2008/TT-BTC
Ngày ban hành 12/06/2008
Ngày có hiệu lực 13/07/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 49/2008/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO NGƯỜI NỘP THUẾ, NGƯỜI KHAI HẢI QUAN DO HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC THUẾ, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC HẢI QUAN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ GÂY RA

Căn cứ Luật quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan;
Căn cứ Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
Bộ Tài chính hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế, người khai hải quan do hành vi vi phạm pháp luật cán bộ, công chức thuế, cán bộ, công chức hải quan trong khi thi hành công vụ gây ra như sau:

I. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

a) Cơ quan quản lý thuế trực tiếp quản lý cán bộ, công chức thuế, cán bộ công chức hải quan (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý thuế) phải bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế, người khai hải quan do hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức gây ra trong thi hành công vụ.

b) Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế, người khai hải quan thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; Kịp thời giải quyết bồi thường thiệt hại một cách công khai, công bằng và đúng pháp luật.

2. Người nộp thuế, người khai hải quan khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuế, hải quan có khả năng gây thiệt hại cho mình thì cảnh báo cho cán bộ, công chức thuế, hải quan hoặc cơ quan quản lý thuế biết.

Trường hợp có đủ điều kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, người nộp thuế, người khai hải quan phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại (trong đơn ghi rõ: tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường thiệt hại; tên, địa chỉ của cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức thuế, hải quan gây thiệt hại; lý do yêu cầu cơ quan quản lý thuế bồi thường; Các thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường; số hiệu và trích yếu quyết định xử lý khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Toà án) và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan tới việc xác định mức bồi thường thiệt hại gửi cơ quan quản lý thuế để xem xét giải quyết.

3. Các trường hợp bồi thường thiệt hại

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bồi thường cho người nộp thuế, người khai hải quan (sau đây gọi tắt là người bị thiệt hại) trong trường hợp cán bộ, công chức thuế, hải quan có hành vi sau:

a) Quyết định hoàn thuế, ấn định thuế không đúng quy định của pháp luật;

b) Xử lý và ra quyết định xử phạt hành chính thuế sai quy định của pháp luật về thuế;

c) Xử lý và ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và các quyết định khác về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan trái quy định;

d) Thực hiện các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính không có căn cứ và yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật về thuế, hải quan;

Trường hợp cán bộ, công chức thuế, hải quan có hành vi vi gây thiệt hại về tiền, tài sản cho người bị thiệt hại nhưng được xác định là do lỗi của người bị thiệt hại thì cơ quan quản lý thuế không phải bồi thường thiệt hại; Trường hợp người bị thiệt hại có lỗi thì cơ quan quản lý thuế chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi do cán bộ công chức thuế, hải quan gây ra.

4. Điều kiện bồi thường thiệt hại

Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

a) Có quyết định xử lý khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Toà án xác định hành vi của cán bộ, công chức thuế hải quan là trái pháp luật gây thiệt hại;

b) Có thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuế, hải quan trong khi thi hành công vụ gây ra cho người nộp thuế, người khai hải quan thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 3, mục I Thông tư này;

c) Người bị thiệt hại có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định xử lý khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Toà án xác định hành vi của cán bộ, công chức thuế hải quan là trái pháp luật gây thiệt hại;

5. Nguyên tắc thực hiện bồi thường.

a) Đối với thiệt hại là tiền thuế, tiền phạt, tiền tịch thu, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm :

- Hoàn trả lại khoản tiền thuế, tiền phạt, tiền tịch thu (nếu đã nộp vào ngân sách nhà nước thì làm thủ tục thoái thu ngân sách) và bồi thường tiền lãi tính trên số tiền thuế, tiền phạt, tiền tịch thu không đúng của người bị thiệt hại.

Thời gian tính lãi được tính từ ngày người bị thiệt hại nộp tiền thuế, tiền phạt; hoặc bị tịch thu tiền đến ngày ghi trong Quyết định bồi thường của cơ quan quản lý thuế.

Khoản tiền lãi được tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố và có hiệu lực tại thời điểm cơ quan quản lý thuế ra Quyết định bồi thường.

b) Đối với thiệt hại là tài sản, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm:

- Trường hợp tài sản vẫn còn và không bị hư hỏng: trả lại tài sản cho người bị thiệt hại;

[...]