Thông tư 62/2007/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 97/2007/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan do Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 62/2007/TT-BTC
Ngày ban hành 14/06/2007
Ngày có hiệu lực 05/08/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trương Chí Trung
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
******

Số: 62/2007/TT-BTC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Hà Nội, ngày 14  tháng 6  năm 2007

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006;
 Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02 tháng 7 năm 2002 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan;
Căn cứ Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định quản lý nhà nước về hải quan (bao gồm cả thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu) chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (sau đây gọi tắt là Nghị định số 97/2007/NĐ-CP) phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.

2. Việc áp dụng các quy định của Nghị định số 97/2007/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan được thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 3 Điều 55 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP.

3. Việc xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan phải tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục và thẩm  quyền quy định tại Luật Quản lý thuế, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2007/NĐ-CP.

4. Người khai hải quan, người nộp thuế có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan và Điều 6, Điều 7 Luật Quản lý thuế và có quyền đề nghị cơ quan hải quan cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ việc kê khai, làm thủ tục hải quan và thủ tục về thuế theo đúng quy định pháp luật.

Cơ quan hải quan có nghĩa vụ giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Trường hợp người khai hải quan, người nộp thuế không thực hiện các quyền của mình dẫn đến có hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

5. Áp dụng các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính 

a) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước về hải quan thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 97/2007/NĐ-CP hoặc các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan. Cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà từ chối nhận hàng thì vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm do mình thực hiện.

b) Trường hợp hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan là hệ quả của một hành vi vi phạm khác trong cùng lĩnh vực hải quan thì chỉ xử phạt đối với hành vi vi phạm có chế tài xử phạt nặng hơn.

c) Một hành vi vi phạm do cùng một cá nhân, tổ chức thực hiện ở cùng một thời điểm trên nhiều tờ khai, hợp đồng thì chỉ xử phạt một lần; đồng thời áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm nhiều lần trong cùng lĩnh vực”.

d) Trường hợp đã bị xử phạt về một hành vi vi phạm, nhưng chưa hết một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm ở lô hàng khác thì áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 khi ra quyết định xử phạt.

đ) Vi phạm lần đầu trong lĩnh vực hải quan nêu tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP là trường hợp cá nhân, tổ chức trước đó chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan nhưng đã qua một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm.          

6. Trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về hải quan theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP:

a) Hàng hoá, phương tiện vận tải đưa vào Việt Nam do bị hoả hoạn, thiên tai, địch hoạ, sự kiện bất ngờ, trong tình thế cấp thiết phải khai và đã thực hiện khai với cơ quan hải quan, cơ quan có thẩm quyền khác hoặc chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không khai sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Việc thông báo nhầm lẫn quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP phải được người gửi hàng, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp thực hiện bằng văn bản, nêu rõ lý do gửi cho cơ quan hải quan kèm theo các chứng từ liên quan đến việc nhầm lẫn trước thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hoá;  được Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan chấp nhận.

Trường hợp có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người gửi hàng, người nhận hàng và/hoặc người vận chuyển để vận chuyển trái phép hoặc buôn lậu thì cơ quan hải quan có quyền từ chối chấp nhận nhầm lẫn.

c) Quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP bao gồm các trường hợp sau:

- Người khai hải quan, người nộp thuế tự phát hiện những sai sót trong hồ sơ hải quan và khai bổ sung trong thời hạn quy định;

- Người khai hải quan, người nộp thuế kiểm tra lại việc tính thuế và khai bổ sung trong thời hạn quy định sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan.

d) Các trường hợp quy định tại khoản 5, 6 và 8 Điều 7 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP:

- Tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đã đủ cơ sở xác định thuộc trường hợp không xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt chỉ lập biên bản chứng nhận lưu hồ sơ;

- Nếu chưa đủ cơ sở xác định hành vi vi phạm có thuộc trường hợp không xử phạt hay không thì người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính về hải quan; trên cơ sở hồ sơ hải quan, tài liệu có liên quan, biên bản vi phạm hành chính về hải quan để ra quyết định về việc không xử phạt.

đ) Trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị định:

Người khai hải quan khai sai mã số, thuế suất lần đầu, cơ quan Hải quan hướng dẫn để khai lại mã số, thuế suất cho chính xác, lập biên bản chứng nhận và không xử phạt.

Việc khai sai mã số, thuế suất được coi là lần đầu khi đáp ứng các điều kiện:

- Trong thời hạn một năm (tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan xuất, nhập khẩu lô hàng khai sai mã số, thuế suất) cá nhân, tổ chức chưa xuất, nhập khẩu mặt hàng đó; hoặc đã xuất, nhập khẩu mặt hàng đó nhưng khai mã số, thuế suất chưa đúng và chưa được phát hiện;

[...]