Nghị định 95-CP năm 1993 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại

Số hiệu 95-CP
Ngày ban hành 04/12/1993
Ngày có hiệu lực 04/12/1993
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 95-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 1993

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 95-CP NGÀY 4-12-1993 VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ THƯƠNG MẠI.

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Bộ Thương mại là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thương mại (bao gồm xuất nhập khẩu, kinh doanh vật tư, hàng tiêu dùng, dịch vụ thương mại) thuộc mọi thành phần kinh tế trong phạm vi cả nước, kể cả hoạt động thương mại của các tổ chức và cá nhân người nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam.

Điều 2. - Bộ Thương mại thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định tại Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quy chế về quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu:

- Quản lý hạn ngạch xuất nhập khẩu, cấp hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đối với các tổ chức kinh tế theo sự phân cấp của Chính phủ.

- Cấp giấy phép xuất nhập khẩu cho các tổ chức liên doanh với nước ngoài theo Luật Đầu tư.

- Quản lý Nhà nước về các hoạt động tư vấn, môi giới, hội chợ và quảng cáo thương mại, giới thiệu hàng hoá và xúc tiến thương mại khác ở trong nước và với nước ngoài.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan việc xét duyệt các chương trình, dự án đầu tư gián tiếp về thương mại.

- Xét cho phép các tổ chức kinh tế Việt Nam được cử đại diện, lập công ty, chi nhánh ở nước ngoài hoặc gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế.

- Xét cho phép các tổ chức kinh tế của nước ngoài lập văn phòng đại diện hoặc công ty, chi nhánh tại Việt Nam.

- Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ các cơ quan đại diện kinh tế - thương mại của Việt Nam đặt ở nước ngoài.

2. Soạn thảo trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền của Bộ các quy chế quản lý các hoạt động thương mại và dịch vụ thương mại trong nước, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế thương mại đối với miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người.

3. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động thương mại.

4. Tổ chức tiếp nhận, xử lý, cung cấp các loại thông tin kinh tế, thương mại trong nước và thế giới phục vụ cho sự chỉ đạo của Chính phủ và các tổ chức kinh tế.

5. Quản lý Nhà nước về công tác đo lường và chất lượng hàng hoá trong hoạt động thương mại thuộc lĩnh vực do Bộ Thương mại phụ trách trên thị trường cả nước.

6. Hướng dẫn và chỉ đạo cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại ở địa phương về nghiệp vụ chuyên môn.

Điều 3.- Tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại gồm có:

1. Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước:

1. Vụ Xuất nhập khẩu.

2. Vụ Kế hoạch - Thống kê.

3. Vụ Đầu tư.

4. Vụ Chính sách thị trường miền núi.

5. Vụ Chính sách thị trường đô thị và nông thôn.

6. Vụ Quản lý thị trường.

[...]