Nghị định 91-HĐBT năm 1986 về việc chấp hành giá và việc kiểm tra, thanh tra,xử lý các vi phạm kỷ luật nhà nước về giá do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 91-HĐBT
Ngày ban hành 04/08/1986
Ngày có hiệu lực 15/09/1986
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Vi phạm hành chính

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 91-HĐBT

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 1986

.

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 91-HĐBT NGÀY 4-8-1986 QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CHẤP HÀNH GIÁ VÀ VIỆC KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ CÁC VI PHẠM KỶ LUẬT NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Để kiểm soát và chi phối giá cả thị trường xã hội, chặn đứng tình trạng giá lên cao đột biến, lập lại trật tự trong công tác giá cả theo tinh thần Nghị quyết 8 của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết 28 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 31-HĐBT ngày 28-3-1986 của Hội đồng Bộ trưởng và kết luận của Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá 5 về giá - lương - tiền;
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước; sau khi tham khảo ý kiến Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Thủ trưởng các ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp, các đơn vị sản xuất kinh doanh, mọi cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước và tư nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh chính sách giá, nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, chế độ quản lý giá và giá chỉ đạo của Nhà nước; tuyệt đối không được làm sai, nếu thấy không phù hợp thì phải kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi. Trong thời gian kiến nghị chưa được giải quyết thì phải thực hiện đúng những qui định hiện hành.

Thủ trưởng của cấp quản lý hoặc đơn vị sản xuất kinh doanh ngoài việc phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc kỷ luật Nhà nước về giá, còn bị xử lý kỷ luật khi bản thân mình vi phạm, hoặc để cán bộ cấp dưới của mình vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá.

Điều 2.- Những trường hợp sau đây coi là những hành vi vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá (gọi tắt là kỷ luật giá):

1. Quyết định giá không đúng thẩm quyền, không đúng chế độ qui định.

2. Tự ý thay đổi mức giá, tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá hoặc địa điểm giao nhận hàng hoá đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

3. Báo cáo không trung thực chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, làm cho giá thành, phí lưu thông và giá cả bị sai lạc (tăng lên hoặc hạ xuống); gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân.

4. Cung cấp không đầy đủ, không chính xác, không kịp thời những tài liệu và số liệu cần thiết cho việc lập phương án giá, xét duyệt và quyết định giá, kiểm tra thanh tra giá, trốn tránh hoặc gây khó khăn cho việc kiểm tra thanh tra giá.

5. Làm chậm trễ việc xét duyệt và công bố giá, không công bố thi hành giá đúng thời hạn đã ghi trong văn bản quyết định giá.

6. Không thi hành đúng chế độ đăng ký, niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết.

7. Lợi dụng, tham ô, móc ngoặc, hối lộ trong việc xây dựng phương án giá, xét duyệt giá, công bố giá.

8. Tiết lộ bí mật về giá của Nhà nước.

Điều 3.- Tất cả những đơn vị, cá nhân có những hành vi như ở điều 2 trên đây, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và sự thiệt hại gây ra, phải chịu một hay nhiều hình thức xử lý như sau:

A. ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ:

1. Cảnh cáo.

2. Huỷ bỏ quyết định giá trái thẩm quyền hoặc mức giá mà đơn vị đang thực hiện sai với giá chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

3. Bồi hoàn toàn bộ khoản chênh lệch sai giá do đơn vị vi phạm kỷ luật giá, nộp vào ngân sách hoặc trả lại cho khách hàng; đồng thời, còn phải chịu phạt tiền với mức tối đa 3% trên tổng số chênh lệch giá do đơn vị vi phạm đã gây ra.

4. Không được xét duyệt hoàn thành kế hoạch hàng năm.

B. ĐỐI VỚI CÁ NHÂN:

1. Nếu đối tượng vi phạm là cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước thì tuỳ mức độ nặng, nhẹ mà bị xử lý bằng một hay nhiều hình thức sau đây:

a) Không được xét thưởng định kỳ 6 tháng, hàng năm; bị kéo dài thời hạn nâng bậc lương.

b) Cảnh cáo.

c) Hạ bậc lương.

d) Hạ chức vụ, cách chức.

[...]