Nghị định 33-HĐBT năm 1984 Điều lệ quản lý giá do Hội Đồng Bộ Trưởng ban hành

Số hiệu 33-HĐBT
Ngày ban hành 27/02/1984
Ngày có hiệu lực 27/02/1984
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-HĐBT

Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 1984

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 33-HĐBT NGÀY 27-2-1984 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ GIÁ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981.
Căn cứ Nghị định số 35/CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý của Nhà nước.
Để cải tiến công tác quản lý giá, phục vụ tốt sản xuất, kinh doanh, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, quản lý thị trường, ổn định và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân.
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước.

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1 - Ban hành kèm theo Nghị định này Điều lệ quản lý giá.

Điều 2 - Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ GIÁ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 33-HĐBT ngày 27-2-1984 của Hội đồng bộ trưởng)

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ QUẢN LÝ GIÁ

Điều 1 - Sự hình thành giá chỉ đạo của Nhà nước và việc quản lý giá phải theo những nguyên tắc sau đây:

1. Phải thể hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, trước mắt là ra sức thúc đẩy sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phát triển; mở rộng lưu thông hàng hoá tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hoá, hạ giá thành và phí lưu thông; ổn định và cải thiện từng bước đời sống của nhân dân lao động; xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa tích luỹ và tiền tệ; hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa; củng cố an ninh và quốc phòng.

2. Phải lấy kế hoạch làm chính, làm cho hệ thống giá hình thành một cách có kế hoạch là chủ yếu, dựa trên cơ sở giá thành được tính toán theo những định mức hợp lý về tiêu hao vật chất, hao phí lao động và có lãi thoả đáng, khuyến khích mạnh mẽ các sản phẩm có dấu chất lượng cao; đồng thời sử dụng đúng đắn các quan hệ thị trường, quan hệ cung cầu, có phân biệt theo loại hàng, theo các nhu cầu khác nhau, các đối tượng tiêu dùng khác nhau, ở các thị trường khác nhau.

Phải bảo đảm cho hệ thống giá chỉ đạo có kế hoạch của Nhà nước chi phối được những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống và ngày càng mở rộng phạm vi. Hệ thống này bao gồm giá thu mua trong nghĩa vụ hoặc theo hợp đồng kinh tế hai chiều (dưới đây gọi tắt là giá thu mua nghĩa vụ) đối với các loại nông sản, lâm sản, hải sản chủ yếu; giá gia công, giá thu mua các loại sản phẩm tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp quan trọng; giá bán buôn xí nghiệp, giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn vật tư đối với những sản phẩm quan trọng của kinh tế quốc doanh; giá bán lẻ Nhà nước đối với những mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân lao động. Đồng thời có những giá được vận dụng linh hoạt dưới những hình thức khác nhau (giá mua khuyến khích, giá mua thoả thuận, giá cao có hướng dẫn, giá kinh doanh thương nghiệp...); kết hợp hai loại giá (giá ổn định và giá linh hoạt) nhằm thu hút ngày càng nhiều sản phẩm hàng hoá đi vào lưu thông có tổ chức, tăng cường trận địa của kinh tế xã hội chủ nghĩa và đấu tranh có hiệu quả với thị trường tự do.

3. Giá phải thực sự là công cụ hạch toán kinh tế, và là đòn bẩy khuyến khích sản xuất phát triển với năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, khuyến khích đẩy mạnh tiến bộ khoa học - kỹ thuật; phân phối và phân phối lại hợp lý thu nhập quốc dân, bảo đảm tích luỹ vốn cho tái sản xuất mở rộng của các đơn vị kinh tế và cho công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.

4. Phải bảo đảm tính thống nhất của chính sách giá và hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung của Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời có phân công, phân cấp hợp lý để phát huy tính chủ động sáng tạo của các ngành, các địa phương và thúc đẩy kinh doanh xã hội chủ nghĩa; kết hợp tính ổn định với tính linh hoạt cần thiết, phù hợp với điều kiện sản xuất, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của các ngành kinh tế và các vùng kinh tế khác nhau của đất nước.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC NGÀNH CÁC CẤP, TRONG VIỆC QUẢN LÝ GIÁ

Điều 2 - Hội đồng Bộ trưởng:

1. Quyết định phương hướng nhiệm vụ, chính sách giá, nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, chế độ quản lý giá và thay đổi mức giá chung.

2. Quy định quyền hạn, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý giá.

3. Phê chuẩn kế hoạch giá do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan soạn thảo.

4. Quyết định giá những tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng và dịch vụ quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân (danh mục số 1 ban hành kèm theo điều lệ này).

5. Quyết định giá những sản phẩm và dịch vụ thuộc thẩm quyền chỉ đạo giá của Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, các tỉnh trong trường hợp có sự tranh chấp ý kiến giữa các cơ quan có liên quan.

Điều 3 - Uỷ ban Vật giá Nhà nước là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng có chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực giá cả:

[...]