CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 88/2002/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 07 tháng 11
năm 2002
|
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996;
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm;
Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng giao lưu và hợp tác về văn hoá, thông tin giữa
Việt Nam với các nước, khuyến khích giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài,
gìn giữ và phát huy nền văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc văn hoá tiên tiến
của thế giới;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
1. Nghị định
này quy định về quản lý các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không
nhằm mục đích kinh doanh.
Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu
văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (sau đây gọi là xuất khẩu, nhập khẩu
văn hóa phẩm) là hoạt động đưa từ Việt Nam ra nước ngoài, đưa từ nước ngoài vào
Việt Nam các loại văn hóa phẩm để sử dụng riêng, biếu, tặng, tham gia triển
lãm, hội chợ, dự thi, hợp tác trao đổi, phục vụ hội thảo, liên hoan, viện trợ
hoặc các mục đích khác không để bán hoặc thu lợi nhuận.
2. Văn hóa phẩm quy định trong
Nghị định này bao gồm :
a) Sách, báo, tạp chí, tài liệu,
ca-ta-lô, tranh, ảnh, áp phích, lịch, bản đồ;
b) Các loại băng ghi âm, đĩa ghi
âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình; các loại phim, các loại băng từ, đĩa mềm, đĩa
cứng, đĩa quang đã ghi nội dung; các sản phẩm công nghệ nghe nhìn khác đã ghi
thông tin ở dạng chữ viết, âm thanh, hoặc hình ảnh;
c) Tác phẩm mỹ
thuật.
3. Việc xuất khẩu, nhập khẩu văn
hóa phẩm là di sản văn hóa thực hiện theo các quy định của Luật Di sản văn hóa
ngày 29 tháng 6 năm 2001.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ
chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) có văn hóa phẩm xuất
khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh đều phải thực hiện theo các quy
định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu
công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài thực hiện theo quy định tại Nghị định
số 72/2000/NĐ-CP ngày 5 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ về công bố, phổ biến
tác phẩm ra nước ngoài.
3. Trường hợp điều ước quốc tế
mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định
khác với quy định tại Nghị định này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế
đó.
Điều 3. Thuế,
phí và lệ phí
Tổ chức, cá nhân có xuất khẩu,
nhập khẩu văn hóa phẩm có giá trị lớn, vượt quá mức quy định được miễn thuế (hạn
mức cụ thể do Luật Thuế xuất, nhập khẩu quy định) thì phải thực hiện việc nộp
thuế theo quy định của pháp luật về thuế xuất, nhập khẩu và các khoản phí và lệ
phí theo quy định của Pháp lệnh Phí và lệ phí.
Chương 2:
QUẢN LÝ VĂN HÓA PHẨM XUẤT
KHẨU, NHẬP KHẨU
Điều 4. Văn
hóa phẩm cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu
1. Nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu
các loại văn hóa phẩm sau đây :
a) Có nội dung chống lại Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;
b) Có nội dung kích động bạo lực,
tuyên truyền chiến tranh xâm lược gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các
nước; kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác;
c) Có nội dung thuộc về bí mật
nhà nước;
d) Có nội dung thông tin sai sự
thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh
hùng dân tộc; vu khống nhằm xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm
công dân;
đ) Văn hóa phẩm vi phạm các quy
định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo hàng hóa; vi phạm các quy định của Luật
Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Di sản văn hoá, các quy định về quyền tác giả
trong Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật khác của Nhà nước Việt Nam;
e) Các loại văn hóa phẩm khác mà
pháp luật cấm tàng trữ, phổ biến, lưu hành tại Việt Nam.
2. Trong trường hợp đặc biệt, để
phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu, các bộ, ngành ở trung
ương được nhập khẩu các loại văn hóa phẩm quy định tại khoản 1 Điều này. Người
đứng đầu cơ quan có văn hoá phẩm nhập khẩu phải quản lý, sử dụng đúng theo quy
định của pháp luật. Thẩm quyền cho phép nhập khẩu được quy định tại khoản 1 Điều
8 Nghị định này.
Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì,
phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các Bộ, ngành khác có liên quan trong việc
tổ chức thực hiện.
Điều 5. Văn
hóa phẩm xuất khẩu
Văn hóa phẩm không thuộc loại
quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này khi xuất khẩu không cần giấy phép của
cơ quan Văn hóa - Thông tin, chỉ phải làm thủ tục hải quan theo quy định tại Điều
7 Nghị định này.
Điều 6. Văn
hóa phẩm nhập khẩu
Văn hóa phẩm không thuộc loại quy
định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này, khi nhập khẩu phải được cơ quan quản lý
nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Chương 3:
THỦ TỤC, THẨM QUYỀN GIẢI
QUYẾT VIỆC XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VĂN HÓA PHẨM
Điều 7. Thủ
tục giải quyết việc xuất khẩu văn hóa phẩm
1. Văn hóa phẩm mang theo người,
để trong hành lý, trong kiện hàng hoặc trong bưu phẩm, bưu kiện không thuộc loại
cấm quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này đã được xuất bản, công bố, phổ biến
và lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam khi xuất khẩu không cần giấy phép của
cơ quan Văn hóa - Thông tin.
2. Đối với
văn hóa phẩm là tài liệu sử dụng nội bộ của cơ quan, tổ chức khi xuất khẩu phải
đảm bảo thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh về bảo vệ bí mật nhà nước
ngày 28 tháng 12 năm 2000.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo
hướng dẫn các cơ quan Hải quan thực hiện đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu các
loại văn hóa phẩm không thuộc loại bị cấm theo quy định của Luật Hải quan ngày
29 tháng 6 năm 2001 và Nghị định này. Trong trường hợp cần xác định nội dung
văn hóa phẩm, cơ quan Hải quan có thẩm quyền phải tiến hành trưng cầu giám định
của cơ quan có thẩm quyền quản lý chuyên ngành về nội dung văn hóa phẩm.
Điều 8. Thẩm
quyền cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm
1. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông
tin cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm trong các trường hợp sau:
a) Văn hoá phẩm quy định tại khoản
2 Điều 4 Nghị định này sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an
hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
b) Văn hoá phẩm để tham gia triển
lãm, hội chợ, dự thi, liên hoan ở cấp quốc gia, trao đổi hợp tác, viện trợ;
c) Phổ biến phim điện ảnh, phim
truyền hình theo quy định của pháp luật; phổ biến, phát hành sách, báo, tạp chí
trong toàn quốc hoặc trên địa bàn nhiều địa phương khác nhau theo đề nghị của
người đứng đầu cơ quan ngành chủ quản cấp Bộ có thẩm quyền quản lý nhà nước về
nội dung văn hóa phẩm nhập khẩu;
d) Văn hoá phẩm để sử dụng vào
các mục đích khác.
2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Văn hóa - Thông tin cấp
giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm của cá nhân, tổ chức ở địa phương không thuộc
khoản 1 và khoản 3 Điều này, để sử dụng vào các mục đích sau :
a) Văn hoá phẩm để phục vụ công
việc của tổ chức hoặc sử dụng cá nhân;
b) Văn hoá phẩm để tham gia triển
lãm, hội chợ, tham dự các cuộc thi, liên hoan; lưu hành, phổ biến tại địa
phương;
c) Văn hoá phẩm để sử dụng vào
các mục đích khác theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan ngành chủ quản cấp tỉnh
có thẩm quyền quản lý nhà nước về nội dung văn hóa phẩm nhập khẩu;
d) Văn hoá phẩm do Bộ trưởng Bộ
Văn hoá Thông tin ủy quyền cấp giấy phép.
3. Bộ trưởng
Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan Hải quan làm thủ tục nhập khẩu văn hóa phẩm
cho các trường hợp sau :
a) Văn hóa phẩm
là tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế đã được cơ quan có thẩm quyền Việt
Nam cho phép tổ chức tại Việt Nam;
b) Văn hóa phẩm là tài sản di
chuyển của cá nhân, gia đình, tổ chức để phục vụ cá nhân, gia đình, tổ chức;
c) Văn hóa phẩm thuộc tiêu chuẩn
hành lý mang theo người của người nhập cảnh để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt cá
nhân;
d) Văn hóa phẩm là quà biếu, tặng
để phục vụ nhu cầu cá nhân gửi qua đường bưu điện có giá trị không lớn hơn tiêu
chuẩn miễn thuế theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp cần xác định nội
dung văn hóa phẩm nhập khẩu, cơ quan Hải quan có thẩm quyền phải trưng cầu giám
định của các cơ quan có thẩm quyền quản lý chuyên ngành về nội dung văn hóa phẩm.
Điều 9. Thủ
tục cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu
nhập khẩu văn hóa phẩm theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 8 phải gửi hồ sơ đề
nghị cấp giấy phép đến cơ quan Văn hóa - Thông tin có thẩm quyền theo quy định
tại Điều 8 Nghị định này.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép
ghi rõ loại văn hóa phẩm, nội dung, số lượng, xuất xứ, mục đích sử dụng và phạm
vi sử dụng;
b) Trường hợp nhập khẩu văn hóa
phẩm để phổ biến, phát hành rộng rãi phải kèm theo văn bản đề nghị của người đứng
đầu cơ quan thuộc Chính phủ ở trung ương (đối với tổ chức Trung ương) hoặc cấp
tỉnh (đối với tổ chức, cá nhân địa phương);
c) Trường hợp cơ quan cấp giấy
phép cần giám định nội dung, tổ chức, cá nhân xin cấp phép có trách nhiệm cung
cấp văn hóa phẩm để cơ quan cấp giấy phép giám định.
Biểu mẫu giấy phép do Bộ Văn hóa
- Thông tin ban hành thống nhất trong cả nước. Giấy phép của cơ quan Văn hóa -
Thông tin có thẩm quyền là căn cứ để làm thủ tục hải quan.
2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu
đưa văn hóa phẩm vào Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này chỉ
phải hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định của Luật Hải quan.
Điều 10. Thời
hạn cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm
Trong thời hạn 2 ngày làm việc,
kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải cấp giấy
phép. Trường hợp không cấp giấy phép hoặc cần kéo dài thời gian phải có văn bản
nói rõ lý do, thời gian kéo dài tối đa không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ.
Điều 11. Xuất
khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm của tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi miễn
trừ ngoại giao
1. Tổ chức, cá nhân được hưởng
quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao khi xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm để dùng
cho cá nhân, gia đình và sử dụng trong phạm vi cơ quan, tổ chức thực hiện theo
các quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân
nêu tại khoản 1 Điều này nhập khẩu văn hóa phẩm để chuyển giao cho tổ chức, cá
nhân Việt Nam hoặc lưu hành, phổ biến tại Việt Nam phải làm thủ tục xin phép tại
cơ quan Văn hóa - Thông tin có thẩm quyền theo quy định tại Điều 8 Nghị định
này.
Chương 4:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI
HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VĂN HÓA PHẨM
Điều 12.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Văn hóa - Thông tin
Bộ Văn hóa - Thông tin là cơ
quan của Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các
hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Nghiên cứu, soạn thảo trình
Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về
quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.
2. Kiểm tra, cấp giấy phép xuất
khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm theo thẩm quyền; tổ chức giám định hoặc giám định
văn hóa phẩm theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
3. Thực hiện hoặc chủ trì phối hợp
với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra
giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm
theo thẩm quyền.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động xuất khẩu, nhập
khẩu văn hóa phẩm.
Điều 13.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính trong phạm vi trách
nhiệm, quyền hạn của mình chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan Hải quan thực hiện các
thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tại cửa khẩu; kiểm tra, thanh tra, xử
lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các hoạt động xuất khẩu, nhập
khẩu văn hóa phẩm.
Điều 14.
Nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ, ngành
Trong phạm vi chức năng được
giao, các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin để thống
nhất quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.
Điều 15.
Nhiệm vụ và quyền hạn của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử
lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các hoạt động xuất khẩu, nhập
khẩu văn hóa phẩm thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Điều 16.
Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích
trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm hoặc có công phát hiện những
hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này thì được khen thưởng theo quy định
của pháp luật.
Điều 17. Xử
lý vi phạm
1. Tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu
văn hóa phẩm có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này, tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính theo các quy định về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực văn hoá - thông tin.
2. Cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu
văn hóa phẩm có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này, tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính theo các quy định về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực văn hoá - thông tin hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật.
3. Người cấp phép, người kiểm
tra, giám sát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm có hành vi vi phạm
các quy định tại Nghị định này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ
luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường
theo quy định của pháp luật
Điều 18.
Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm.
1. Cá nhân có quyền tố cáo với
các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt
động xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm.
2.Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu
nại với cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra toà án về các
quyết định xử lý trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm .
3. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền
giải quyết khiếu nại, tố cáo và khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp
luật.
Điều 19. Hiệu
lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực sau
30 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Nghị định số 100-CP ngày 01 tháng 6 năm 1966 của
Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.
2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông
tin có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định
này.