BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
121/2000/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2000
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 121/2000/TT-BTC NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM
2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐẤU THẦU MUA SẮM ĐỒ DÙNG, VẬT TƯ, TRANG THIẾT BỊ,
PHƯƠNG TIỆN LÀM VIỆC ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, ĐOÀN THỂ
VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SỬ DỤNG NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Căn cứ Nghị định số 88/1999/NĐ-CP
ngày 01 tháng 09 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu thầu; Nghị
định số 14/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một
số điều của Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày
01/9/1999.
Để tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước tiết kiệm, có hiệu
quả, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm đồ dùng, vật tư, trang
thiết bị, phương tiện làm việc đối với các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ
trang, đoàn thể và doanh nghiệp Nhà nước sử dụng nguồn Ngân sách nhà nước như
sau:
I. NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG:
1. Đối tượng
áp dụng: Các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp Nhà
nước (Sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) có sử dụng nguồn Ngân sách nhà nước
và có nguồn gốc từ Ngân sách nhà nước (gọi chung là nguồn Ngân sách nhà nước)
khi thực hiện mua sắm các loại hàng hoá, được qui định tại điểm 2 dưới đây, có
đơn giá hoặc tổng giá trị từ 100 (một trăm) triệu đồng trở lên cho một lần mua
sắm (một gói thầu) các loại hàng hoá cùng chủng loại hoặc đồng bộ, đều phải thực
hiện việc mua sắm theo các quy định tại Thông tư hướng dẫn này.
Đối với việc
mua sắm hàng hoá có giá trị dưới 100 triệu đồng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
thuộc Trung ương quyết định lựa chọn hình thức mua sắm cho phù hợp, có hiệu quả
(có thể áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp hoặc chỉ định thầu mà không yêu cầu
phải đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm 2, điểm 3 Mục III của Thông tư này) và
chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đối với các cơ quan, đơn vị do địa
phương quản lý thì việc mua sắm được thực hiện theo qui định của Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan được uỷ quyền. Khuyến
khích các cơ quan, đơn vị áp dụng các qui định tại Thông tư này.
2. Phạm vi mua sắm:
- Văn phòng phẩm, đồ gỗ, đồ vải
trang bị cho bệnh viện, trang phục, đồng phục của ngành không thuộc mặt hàng đặc
chủng.
- Nguyên liệu, nhiên liệu, vật
liệu; phụ tùng thay thế; Sinh phẩm, thuốc, hoá chất và các loại nguyên liệu, vật
tư khác;
- Máy móc thiết bị toàn bộ, đồng
bộ hoặc thiết bị lẻ, thiết bị phòng cháy chữa cháy; Máy tính, máy phô tô, máy
fax, các chương trình ứng dụng tin học (bao gồm cả lắp đặt, chạy thử, bảo
hành...) và các loại thiết bị văn phòng khác;
- Phương tiện vận chuyển như: Ô
tô con, ô tô tải, xuồng ghe, xe máy, xe đạp...
- Hoạt động in ấn, phát hành các
ấn phẩm, văn hoá phẩm, sách, báo, tài liệu, phim ảnh... trong công tác tuyên
truyền, thông tin, truyền thông, giáo dục.
- Bản quyền sở hữu công nghiệp,
bản quyền sở hữu công nghệ;
- Các loại tài sản khác phục vụ
công tác chuyên môn;
- Đồ dùng và phương tiện làm việc
thông thường thuộc các loại như đã kể trên của lực lượng vũ trang.
Tất cả các loại đồ dùng, vật tư,
trang thiết bị, phương tiện làm việc trong phạm vi trên sau đây gọi tắt là hàng
hoá.
3. Thông tư này không áp dụng
trong các trường hợp sau:
- Sửa chữa, cải tạo, mở rộng trụ
sở làm việc, nhà xưởng;
- Mua sắm các loại vật tư, trang
thiết bị gắn với đầu tư và xây dựng đã được qui định trong mục 14 của Nghị định
12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 sửa đổi, bổ sung Điều 43 của Nghị định
52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về quản lý đầu tư và xây dựng;
- Mua sắm trang thiết bị, vật
tư, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu đặc thù chuyên dùng cho quốc phòng và
an ninh.
4. Các hình thức lựa chọn nhà thầu:
bao gồm hình thức đấu thầu và các hình thức mua sắm không phải đấu thầu. Trên
cơ sở kế hoạch mua sắm hàng hoá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí kinh phí và áp dụng các hình thức lựa
chọn nhà thầu cho phù hợp theo các qui định chi tiết tại Mục II và Mục III dưới
đây. Nghiêm cấm việc chia lẻ gói thầu để thực hiện việc mua sắm theo các hình
thức không phải đấu thầu.
II. NHỮNG QUY
ĐỊNH KHI THỰC HIỆN ĐẤU THẦU:
Các gói thầu mua sắm hàng hoá
cùng chủng loại hoặc đồng bộ có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, nếu không đảm
bảo một trong các điều kiện để thực hiện việc mua sắm bằng hình thức Mua sắm trực
tiếp và Chỉ định thầu được qui định cụ thể tại điểm 2, 3 Mục III của Thông tư
này, thì phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá theo các
qui định dưới đây:
1. Các hình
thức đấu thầu:
1.1- Đấu thầu
rộng rãi:
Hình thức đấu thầu rộng rãi là
hình thức chủ yếu được áp dụng trong đấu thầu mua sắm hàng hoá. Số lượng nhà thầu
tối thiểu là 5 nhà thầu đủ năng lực. Trong trường hợp không đủ số lượng nhà thầu
theo yêu cầu thì bên mời thầu phải trình người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm
quyền quyết định.
1.2- Đấu thầu hạn chế: Là hình
thức đấu thầu mà bên mời thầu mời một số nhà thầu (tối thiểu là 3) có đủ năng lực
tham dự. Danh sách nhà thầu tham dự phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có
thẩm quyền phê duyệt. Hình thức này chỉ được xem xét áp dụng khi có một trong
các điều kiện:
Chỉ có một số nhà thầu đáp ứng
được yêu cầu của gói thầu;
Theo yêu cầu của bên tài trợ nguồn
vốn thực hiện việc mua sắm;
Do tình hình cụ thể của gói thầu
mà đấu thầu hạn chế có lợi thế.
2. Điều kiện
thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hoá: Các cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn ngân
sách nhà nước chỉ được tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hoá khi đảm bảo các điều
kiện sau:
Có kế hoạch mua sắm hàng hoá
(bao gồm cả kế hoạch vốn Ngân sách thực hiện việc mua sắm hàng hoá) được cấp có
thẩm quyền phê duyệt;
Hồ sơ mời thầu đã được người có
thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Điều kiện
tham dự thầu: Nhà thầu tham gia dự thầu phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có giấy đăng ký kinh doanh do
cơ quan có thẩm quyền cấp, có ngành nghề kinh doanh phù hợp với ngành hàng đấu
thầu. Đối với đấu thầu mua sắm hàng hoá phức tạp được qui định trong hồ sơ mời
thầu, ngoài giấy đăng ký kinh doanh, phải có giấy phép bán hàng thuộc bản quyền
của nhà sản xuất.
Đối với các cơ quan nghiên cứu
khoa học khi tham gia dự thầu cung cấp hàng hoá dưới dạng chương trình ứng dụng
tin học..., nếu không có giấy đăng ký kinh doanh thì phải có chức năng nhiệm vụ
ghi trong quyết định thành lập phù hợp với nội dung và yêu cầu của gói thầu.
- Có đủ năng lực về chuyên môn kỹ
thuật; khả năng cung cấp, bảo hành hàng hoá (đối với các loại hàng hoá cần bảo
hành) và điều kiện về tài chính đáp ứng yêu cầu của gói thầu;
- Hồ sơ dự thầu phải đảm bảo
theo đúng qui định của hồ sơ mời thầu.
- Chỉ được tham gia một đơn dự
thầu trong một gói thầu, dù là đơn phương hay liên danh dự thầu. Trường hợp Tổng
công ty đứng tên dự thầu thì các đơn vị trực thuộc (hạch toán phụ thuộc) không
được phép tham dự với tư cách là nhà thầu độc lập trong cùng một gói thầu.
- Bên mời thầu không được tham
gia với tư cách là nhà thầu đối với các gói thầu do mình tổ chức.
- Nhà tư vấn không được tham gia
đấu thầu thực hiện các gói thầu mua sắm hàng hoá do mình làm tư vấn.
4. Chi phí tổ chức đấu thầu:
Bên mời thầu có thể bán hồ sơ mời
thầu với mức giá bán do người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền quyết định.
Đối với đấu thầu trong nước, giá một bộ hồ sơ mời thầu không quá 500.000 đồng.
Đối với đấu thầu quốc tế, thực hiện theo thông lệ quốc tế.
Chi phí tổ chức đấu thầu và xét
thầu của Bên mời thầu được sử dụng từ nguồn bán hồ sơ mời thầu và được quản lý
chi tiêu theo các qui định hiện hành. Trong trường hợp thu không đủ chi thì sử
dụng kinh phí của cơ quan, đơn vị để thực hiện và được tính vào giá trị hàng
hoá mua sắm của gói thầu.
5. Thẩm định kết quả đấu thầu:
5.1. Trách nhiệm thẩm định:
Cơ quan có trách nhiệm thẩm định
kết quả đấu thầu được qui định như sau:
- Đối với kết quả đấu thầu mua sắm
hàng hoá của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thủ trưởng cơ quan trung ương của các đoàn
thể quyết định đơn vị giúp việc làm nhiệm vụ thẩm định kết quả đấu thầu.
Trong trường hợp giá trị mua sắm
dưới 500 triệu đồng thì do Thủ trưởng đơn vị trực tiếp mua sắm, được uỷ quyền
phê duyệt kết quả đấu thầu, tự quyết định bộ phận giúp việc làm nhiệm vụ thẩm định
kết quả đấu thầu.
- Đối với những gói thầu mua sắm
hàng hoá của các cơ quan, đơn vị ở địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phê duyệt kết quả đấu thầu thì
giao cho Sở Tài chính - Vật giá chịu trách nhiệm thẩm định kết quả đấu thầu.
Đối với những gói thầu mua sắm
hàng hoá được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phân cấp, uỷ quyền
cho thủ trưởng các đơn vị cấp dưới phê duyệt kết quả đấu thầu, thì do người được
uỷ quyền tự quyết định bộ phận giúp việc làm nhiệm vụ thẩm định kết quả đấu thầu.
- Riêng đối với kết quả đấu thầu
mua sắm hàng hoá của các doanh nghiệp Nhà nước do người có thẩm quyền của doanh
nghiệp nhà nước được quyền mua sắm quyết định bộ phận giúp việc làm nhiệm vụ thẩm
định kết quả đấu thầu.
5.2- Thời gian thẩm định: Không
quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
6. Phê duyệt kết quả đấu thầu
6.1. Trách nhiệm phê duyệt:
Bên mời thầu có trách nhiệm
trình kết quả đấu thầu lên người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền để xem
xét phê duyệt. Người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền có trách nhiệm phê
duyệt kết quả đấu thầu bằng văn bản. Trách nhiệm phê duyệt kết quả đấu thầu qui
định như sau:
- Đối với kết quả đấu thầu mua sắm
hàng hoá của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thủ trưởng cơ quan trung ương của các đoàn
thể phê duyệt kết quả đấu thầu.
Trong trường hợp giá trị mua sắm
dưới 500 triệu đồng thì người có trách nhiệm phê duyệt có thể uỷ quyền bằng văn
bản cho Thủ trưởng đơn vị trực tiếp mua sắm phê duyệt.
- Đối với kết quả đấu thầu mua sắm
hàng hoá của các cơ quan, đơn vị do địa phương quản lý thì Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phê duyệt hoặc
phân cấp, uỷ quyền cho thủ trưởng các đơn vị cấp dưới (Quận, huyện, thị xã; Sở,
ban, ngành...) phê duyệt.
- Riêng đối với kết quả đấu thầu
mua sắm hàng hoá của các doanh nghiệp Nhà nước do người có thẩm quyền của doanh
nghiệp nhà nước được quyền mua sắm phê duyệt kết quả đấu thầu.
6.2. Thời gian phê duyệt: Trừ những
gói thầu có vướng mắc cần xử lý, thời gian phê duyệt kết quả đấu thầu không quá
5 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thẩm định.
III. CÁC HÌNH
THỨC MUA SẮM KHÔNG PHẢI ĐẤU THẦU:
Việc thực hiện mua sắm hàng hoá
khi đảm bảo các điều kiện qui định dưới đây thì không bắt buộc tổ chức đấu thầu
mà có thể lựa chọn các hình thức mua sắm như: Chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực
tiếp và chỉ định thầu.
1. Chào hàng
cạnh tranh: Là hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá trên cơ sở chào
hàng của các nhà thầu.
- Điều kiện áp dụng: các trường
hợp mua sắm hàng hoá có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng mà
không đủ điều kiện để áp dụng hình thức chỉ định thầu theo qui định tại điểm 3
dưới đây.
- Mỗi gói thầu phải có ít nhất 3
chào hàng của 3 nhà thầu khác nhau trên cơ sở yêu cầu chào hàng cuả Bên mời thầu.
Trong trường hợp không đủ số lượng nhà thầu theo yêu cầu thì Bên mời thầu phải
trình người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền quyết định. Việc gửi chào hàng
có thể được thực hiện bằng cách gửi trực tiếp, bằng fax, bằng đường bưu điện hoặc
bằng các phương tiện khác.
2. Mua sắm trực tiếp: Là hình thức
chọn trực tiếp nhà thầu cung cấp hàng hoá trên cơ sở kết quả đấu thầu đã được
đơn vị tổ chức thực hiện trong năm.
Hình thức này được áp dụng đối với
các trường hợp đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hoá thường xuyên và mua sắm hàng
hoá bổ sung do nhu cầu phát sinh thêm sau đây:
2.1 - Mua sắm trực tiếp được áp
dụng đối với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hoá, vật tư phục vụ
cho hoạt động thường xuyên trong năm với số lượng và chủng loại ổn định như:
thuốc chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh; đồ dùng, phương tiện giảng dạy
trong các trường học; các loại phụ tùng máy phát thanh, truyền hình; nguyên
nhiên vật liệu phục vụ sản xuất trong các doanh nghiệp...
Khi mua sắm những hàng hoá nêu
trên, căn cứ vào kết quả đấu thầu đơn vị thực hiện đợt đầu tiên trong năm với
gói thầu bao gồm các chủng loại hàng hoá được sử dụng thường xuyên, đơn vị sẽ
thực hiện việc mua sắm trực tiếp vào các thời điểm cụ thể trong năm, đảm bảo
đơn giá hàng hoá không được vượt đơn giá trong hợp đồng đã ký trước đó.
2.2 - Thực hiện việc mua sắm trực
tiếp trong trường hợp bổ sung hợp đồng cũ đã thực hiện trong năm hoặc hợp đồng
đang thực hiện với điều kiện Bên mời thầu có nhu cầu tăng thêm số lượng hàng
hoá mà trước đó đã tiến hành đấu thầu, nhưng phải đảm bảo đơn giá hàng hoá
không được vượt đơn giá trong hợp đồng đã ký trước đó. Trước khi ký hợp đồng,
nhà thầu phải chứng minh có đủ năng lực để thực hiện gói thầu.
Khi giá cả thị trường có biến động,
không đảm bảo yêu cầu về giá hoặc giá đã ký hợp đồng không còn hợp lý để mua sắm
trực tiếp thì đơn vị phải tổ chức đấu thầu như một gói thầu mới.
3. Chỉ định thầu: Là hình thức
chọn trực tiếp nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Các điều kiện để áp dụng
hình thức chỉ định thầu cụ thể như sau:
3.1- Đối với
những gói thầu có giá trị dưới 1 tỷ đồng được thực hiện trong những trường hợp
sau:
- Trường hợp mua sắm khẩn cấp do
thiên tai, địch hoạ, sự cố, dịch bệnh cần khắc phục ngay và các trường hợp mua
sắm đặc biệt khác (Mua thuốc, hoá chất phục vụ công tác phòng chống dịch và
thanh toán một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm; mua gạo, sách vở, bàn ghế...
cho vùng lũ lụt; ...);
- Gói thầu theo yêu cầu của cơ
quan tài trợ, do người có thẩm quyền quyết định chỉ định thầu trên cơ sở có ý
kiến bằng văn bản của cơ quan tài trợ và các cơ quan có liên quan khác;
- Hàng hoá do doanh nghiệp trong
nước độc quyền sản xuất và có giá bán thống nhất trong cả nước;
- Hàng hoá do hãng (công ty) nước
ngoài độc quyền sản xuất, đồng thời có độc quyền phân phối tiêu thụ tại Việt
nam.
- Các gói thầu có tính chất đặc
biệt, là hàng hoá có liên quan chặt chẽ tới các hàng hoá khác đã được một nhà
thầu cung cấp và có bằng chứng chứng minh rằng chỉ nhà thầu đó mới có thể thực
hiện gói thầu với chất lượng tốt nhất và chi phí hợp lý nhất.
Khi thực hiện việc chỉ định thầu
đối với những trường hợp mua sắm hàng hoá trên đây, người có thẩm quyền hoặc cấp
có thẩm quyền quyết định chỉ định ngay nhà thầu đủ năng lực để thực hiện công
việc kịp thời, đồng thời chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
3.2- Trường hợp
đặc biệt giá trị gói thầu từ 1( một) tỷ đồng trở lên, nếu thấy cần thiết phải
chỉ định thầu thì các Bộ, ngành, địa phương, các Tổng công ty có ý kiến bằng
văn bản gửi Bộ Tài chính để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết
định.
3.3- Riêng các trường hợp sau
đây được thực hiện hình thức chỉ định thầu và không khống chế về giá trị gói thầu:
Mua hàng dự trữ quốc gia được Thủ
tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu.
Mua môtô, ôtô sản xuất, lắp ráp
trong nước; thiết bị sản xuất trong nước có đăng ký bản quyền và có giá bán thống
nhất trong cả nước.
3.4- Khi thực hiện mua sắm những
loại hàng hoá trên đây, nếu cơ quan, đơn vị thấy không cần thiết phải chỉ định
thầu thì báo cáo người có thẩm quyền cho phép tiến hành tổ chức đấu thầu.
Trong trường hợp chỉ định thầu
theo các nội dung được quy định trên đây, Bên mời thầu phải xác định rõ những nội
dung sau:
- Lý do chỉ định thầu;
- Kinh nghiệm và năng lực về mặt
kỹ thuật, tài chính của nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu;
- Giá trị của gói thầu mua sắm
hàng hoá đã được duyệt.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1- Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những qui định trước đây trái với Thông tư này
đều bãi bỏ.
Các nội dung khác không qui định
tại thông tư này thì thực hiện theo qui định tại qui chế đấu thầu ban hành theo
Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 về việc ban hành Quy chế đấu thầu; Nghị
định số 14/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một
số điều của Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày
01/9/1999;
Mẫu hướng dẫn hồ sơ mời thầu mua
sắm hàng hoá thực hiện theo qui định tại Phụ lục II Thông tư số 04/2000/TT-BKH
ngày 26/5/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện qui chế đấu
thầu.
2- Hàng năm, các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể, Tổng
Công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập, Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổng hợp và gửi báo cáo tình
hình thực hiện công tác đấu thầu về Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 12 để tổng
hợp báo cáo Chính phủ.
3- Trong quá trình thực hiện nếu
có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để xem
xét, giải quyết.
|
Nguyễn
Thị Kim Ngân
(Đã
ký)
|