Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 81-NgĐ/NH năm 1958 về bản biện pháp cho vay dài hạn do Tổng giám đồc Ngân hàng Quốc Gia ban hành.

Số hiệu 81-NgĐ/NH
Ngày ban hành 15/07/1958
Ngày có hiệu lực 15/07/1958
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Ngân hàng quốc gia
Người ký Tạ Hoàng Cơ
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Số: 81-NgĐ/NH

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 1958

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN BIỆN PHÁP CHO VAY DÀI HẠN

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM

Để giúp đỡ các Hợp tác xã, các tập đoàn, các tổ đổi công thường xuyên và đồng bào miền núi giải quyết khó khăn về vốn cơ bản để có điều kiện tái sản xuất mở rộng, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, phát triển kinh tế nông lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông thôn trong giai đoạn quá độ;
Căn cứ công văn số 28-2TN ngày 14/7/1958 của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho ban hành bản biện pháp cho vay dài hạn.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành bản biện pháp cho vay dài hạn của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam kèm theo Nghị định này.

Điều 2. Biện pháp này được áp dụng từ ngày ban hành.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng, Giám đốc Vụ, Sở ở Ngân hàng trung ương và các ông Trưởng Chi nhánh Ngân hàng toàn quốc chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Tạ Hoàng Cơ

 

BIỆN PHÁP CHO VAY DÀI HẠN

I. TÌNH HÌNH CHO VAY DÀI HẠN TRONG GIAI ĐOẠN KHÔI PHỤC KINH TẾ VÀ YÊU CẦU NHIỆM VỤ CHO VAY DÀI HẠN TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU PHÁT TRIỂN KINH TẾ CÓ KẾ HOẠCH

A. Nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu bị đế quốc và phong kiến kìm hãm nên không phát triển lên được, thêm vào đó lại bị 15 năm chiến tranh tàn phá nặng nề nên sức sản xuất kém sút, đời sống nhân dân hết sức cùng cực.

Hòa bình lập lại, thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh của Đảng và Chính phủ kết hợp với phong trào giảm tô và cải cách ruộng đất, Ngân hàng quốc gia đã cho nhân dân vay trên 30 nghìn triệu, bao gồm việc cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vay mua sắm trâu, bò cầy, các hợp tác xã thủ công nghiệp vay để thiết lập cơ sở và trang bị máy móc, các tổ sản xuất và nông dân riêng lẻ vay mua sắm trâu bò cầy, nông cụ, làm các công trình thủy lợi, chăn nuôi đại gia súc, ngư dân vay mua sắm thuyền lưới mới, các công nhân và thợ thủ công hoặc tổ sản xuất vay mua sắm máy móc và thiết bị cơ sở. Việc cho vay này đã có một tác dụng nhất định, góp phần hoàn thành về căn bản nhiệm vụ khôi phục kinh tế.

Nhưng vì từ khi thành lập Ngân hàng tới nay, chưa phân biệt cho vay dài hạn và cho vay ngắn hạn, trừ một vài loại như trâu bò, thuyền lớn được quy định là dài hạn từ một năm đến hai năm, còn nói chung là quy định ngắn hạn, do đó không thu hồi nợ đúng hạn định, gây ra tình trạng nợ quá hạn, bởi tính chất các phương tiện cơ bản mà Ngân hàng cho vay phải chuyển giá trị vào sản xuất và hoàn trả lại đều đặn. Việc chưa phân biệt cho vay dài hạn và ngắn hạn còn trở ngại nhiều cho việc lập kế hoạch tiền mặt và luân chuyển vốn.

B. Hiện nay, sau khi nhiệm vụ khôi phục đã hoàn thành về căn bản, chúng ta phải tiến hành xây dựng nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa, tập thể hóa nông nghiệp, cải tạo xã hội chủ nghĩa công thương nghiệp tư bản tư doanh và thủ công nghiệp riêng lẻ, đặc biệt ở nông thôn, cần hướng dẫn nông dân đi vào con đường hợp tác từ thấp đến cao bằng cách phát triển các tổ đổi công tiến dần lên hợp tác xã mau bán và hợp tác xã tín dụng, cần tổ chức thợ thủ công vào hợp tác xã thủ công nghiệp.

Một trong những tính chất ưu việt của nền kinh tế dân chủ nhân dân là mở rộng tái sản xuất không ngừng. Muốn làm việc này, phải tích lũy vốn, phải có phương tiện cơ bản. Nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước thì cần phải có một thời gian rất dài mới tích lũy vốn, vì các Hợp tác xã thành lập lúc đầu còn yếu nên sự giúp đỡ này có tác dụng to lớn, góp phần trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.

Đối với các tập đoàn sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của cán bộ ra ngoài biên chế, bộ đội phục viên, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, nhân dân miền núi chưa có điều kiện hợp tác hóa, cũng cần được giúp đỡ về vốn dài hạn để phát triển sản xuất, cải tiến kỹ thật, nâng cao mức sản xuất và đi dần vào con đường hợp tác hóa.

Vì vậy, đi đôi với việc cho vay ngắn hạn, cần thiết phải tiến hành cho vay dài hạn với nguồn vốn rõ ràng, đối tượng, thời hạn, lợi suất và biện pháp cho vay cụ thể.

II. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA CHO VAY DÀI HẠN

Ngân hàng quốc gia cho vay dài hạn nhằm mục đích:

1) Đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào vấn đề củng cố vững chắc các hợp tác xã các tập đoàn tiến bộ để trở thành nòng cốt của phong trào hợp tác hóa nông thôn.

2) Giúp các hợp tác xã, các tập đoàn tiến bộ, các tổ đổi công thường xuyên giải quyết những khó khăn về vốn cơ bản để có điều kiện mở rộng tái sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.

3) Giúp các Hợp tác xã các tập đoàn tiến bộ các tổ đổi công thường xuyên có đủ điều kiện để cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, đồng thời nâng cao mức sản xuất.

4) Riêng đối với đồng bào miền núi, giúp đỡ để giải quyết những khó khăn trong sản xuất để có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện sinh hoạt. Trên cơ sở đó, làm cho nhân dân lao động tin tưởng đường lối chính sách hợp tác hóa nông thôn, chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ.

5) Đồng thời thông qua công tác cho vay dài hạn, Ngân hàng thực hiện nhiệm vụ góp ý kiến với các hợp tác xã, các tập đoàn, các tổ đổi công thường xuyên trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, tài vụ, kế toán, làm cho công việc sản xuất của các hợp tác xã tập đoàn đi dần vào kế hoạch, hạ giá thành, tăng thêm thu nhập, mở rộng tái sản xuất để tiến lên hợp tác xã cao cấp.

III. NGUYÊN TẮC CHO VAY

[...]