CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
64/2011/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2011
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VIỆC THI HÀNH BIỆN PHÁP BẮT BUỘC CHỮA BỆNH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm
2001;
Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 1999, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
năm 2009;
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;
Căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết thi
hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành biện pháp bắt buộc chữa
bệnh, cá nhân bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (gọi chung là người bị bắt
buộc chữa bệnh) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc
thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự.
Điều 3. Nguyên
tắc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Tuân thủ quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và các quy định khác
của pháp luật có liên quan; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Kết hợp giữa quản lý với điều trị,
chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người bị bắt buộc chữa bệnh.
3. Bảo đảm tôn trọng quyền và lợi
ích hợp pháp của người bị bắt buộc chữa bệnh và ngăn ngừa họ thực hiện hành vi
nguy hiểm cho xã hội.
Điều 4. Kinh
phí bảo đảm cho việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Kinh phí bảo đảm cho thi hành biện
pháp bắt buộc chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp, bao gồm: kinh phí đầu tư,
xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc điều trị
y tế và quản lý người bị bắt buộc chữa bệnh; lập hồ sơ, trưng cầu giám định, tổ
chức đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần, truy tìm người bị bắt buộc
chữa bệnh bỏ trốn; chế độ ăn, mặc, ở, chăm sóc, điều trị y tế cho người bị bắt
buộc chữa bệnh, giải quyết trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết.
2. Cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần
được tiếp nhận sự tài trợ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, cá nhân để tạo
nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc quản lý, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng
cho người bị bắt buộc chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
3. Định kỳ chi kinh phí cho từng hoạt
động cụ thể do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn.
Chương 2.
ĐỀ NGHỊ ÁP DỤNG BIỆN
PHÁP BẮT BUỘC CHỮA BỆNH
Điều 5. Đề nghị
áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra
Trong giai đoạn điều tra, khi có
nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách
nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự, cơ
quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án phải trưng cầu giám định pháp y tâm
thần. Nếu Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận người đó mắc bệnh tâm thần
hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi
của mình, thì cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án gửi đề nghị áp dụng
biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện Kiểm sát cùng cấp.
Điều 6. Đề nghị
áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn thi hành án
1. Trường hợp người bị kết án phạt
tù đang thi hành án tại Trại giam hoặc Trại tạm giam mà có nghi ngờ họ bị bệnh
tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển
hành vi của mình, thì Giám thị Trại giam, Giám thị Trại tạm giam đề nghị Tòa án
nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi có Trại giam hay Trại tạm
giam đang giam giữ người bị kết án tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần
đối với họ và quyết định việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Trường hợp người bị kết án phạt
tù đang thi hành án tại Nhà tạm giữ mà có nghi ngờ họ bị bệnh tâm thần hoặc một
bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình,
thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện báo cáo cơ quan thi hành án
hình sự Công an cấp tỉnh để đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiến hành trưng cầu
giám định pháp y tâm thần đối với họ và quyết định việc áp dụng biện pháp bắt
buộc chữa bệnh.
Điều 7. Trưng cầu
giám định pháp y tâm thần
Trình tự, thủ tục trưng cầu giám định
pháp y tâm thần được thực hiện theo quy định của Bộ
luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Giám định tư
pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chương 3.
THI HÀNH BIỆN PHÁP BẮT
BUỘC CHỮA BỆNH
Điều 8. Đưa người
vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần
1. Trong giai đoạn điều tra, truy tố,
xét xử, cơ quan điều tra đã, đang thụ lý, giải quyết vụ án có trách nhiệm tổ chức,
phối hợp với lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, lực lượng
Cảnh vệ tư pháp hoặc phối hợp với Trại tạm giam, Nhà tạm giữ (trong trường hợp
người bị bắt buộc chữa bệnh đang bị giam giữ tại Trại tạm giam hoặc Nhà tạm giữ)
đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần nêu trong
Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Trong giai đoạn thi hành án, trường
hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đang chấp hành án tại Trại giam hoặc Trại tạm
giam, thì Trại giam, Trại tạm giam có trách nhiệm tổ chức đưa họ đến cơ sở bắt
buộc chữa bệnh tâm thần nêu trong Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đang chấp hành án tại Nhà tạm giữ, thì
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi có Nhà tạm giữ có trách nhiệm
tổ chức đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần
nêu trong Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
3. Cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần
được Viện Kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định có trách nhiệm tiếp nhận người bị bắt
buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo, lập biên bản giao nhận. Cơ quan có trách nhiệm
đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần phải thông báo ngay cho thân
nhân người bị bắt buộc chữa bệnh biết, trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh
không có thân nhân hoặc không xác định được thân nhân thì thông báo cho chính
quyền địa phương nơi người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đăng ký thường
trú hoặc tạm trú.
Điều 9. Chế độ
quản lý, điều trị đối với người bị bắt buộc chữa bệnh
1. Kể từ thời điểm người bị bắt buộc
chữa bệnh, cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm quản lý và điều trị
người bị bắt buộc chữa bệnh. Việc quản lý và điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh
được thực hiện như đối với những người bị bệnh tâm thần khác và không được phân
biệt đối xử.
2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ
Công an hướng dẫn việc xét duyệt, tuyển chọn, đào tạo cán bộ, nhân viên bảo vệ
cho các cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần.
Điều 10. Giải
quyết trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh trốn
Khi có người bị bắt buộc chữa bệnh
trốn, cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần phải lập biên bản và thông báo ngay cho
cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan đã đề
nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và gia đình của người bị bắt buộc chữa
bệnh biết để phối hợp truy tìm; đồng thời, phải chủ trì tổ chức ngay các biện
pháp để truy tìm như đối với người bị bệnh tâm thần khác và báo cho cơ quan
Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần biết để cùng phối hợp
truy tìm.
Điều 11. Giải
quyết trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết
1. Trường hợp người bị bắt buộc chữa
bệnh chết, Thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần phải báo ngay cho cơ
quan điều tra, Viện Kiểm sát tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở bắt
buộc chữa bệnh tâm thần đóng đến thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp
luật để xác định nguyên nhân chết; đồng thời, thông báo cho thân nhân người chết,
thông báo cho cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và Viện
Kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; làm thủ
tục khai tử với chính quyền cơ sở. Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết
là người nước ngoài, cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần phải thông báo cho Cơ
quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an hoặc Cơ quan quản lý thi hành án
hình sự Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện của nước
mà người đó mang quốc tịch.
2. Sau khi được cơ quan điều tra,
Viện Kiểm sát tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở bắt buộc chữa bệnh
tâm thần đóng đồng ý, cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần tổ chức việc mai táng
theo quy định chung. Sau khi tổ chức việc mai táng, cơ sở bắt buộc chữa bệnh
tâm thần phải gửi thông báo cho Viện Kiểm sát hoặc Tòa án đã ra quyết định bắt
buộc chữa bệnh.
3. Trường hợp thân nhân của người bị
bắt buộc chữa bệnh đề nghị cho nhận tử thi về mai táng và cam kết tự chịu chi
phí, chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường
thì cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần lập biên bản bàn giao tử thi cho họ.
Điều 12. Đình
chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Khi người bị bắt buộc chữa bệnh
đã khỏi bệnh, Thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thông báo cho cơ
quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để yêu cầu Hội đồng giám định
pháp y tâm thần tiến hành giám định về tình trạng bệnh của người đó.
2. Căn cứ vào kết luận của Hội đồng
giám định pháp y tâm thần về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, cơ
quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đề nghị Viện Kiểm sát hoặc
Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh ra quyết định đình
chỉ việc thi hành biện pháp này. Sau khi nhận được quyết định đình chỉ thi hành
biện pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa
bệnh phải thông báo ngay cho cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần và thân nhân của
người bị bắt buộc chữa bệnh.
3. Sau khi nhận được quyết định
đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án, cơ quan đã đề nghị
áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải đến nhận người bị bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp Viện Kiểm sát ra quyết định đình chỉ, thì khi nhận quyết định đình
chỉ, thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh phải đến nhận người đó. Việc
giao nhận phải lập biên bản, trong đó ghi rõ thời gian chữa bệnh tại cơ sở bắt
buộc chữa bệnh tâm thần. Sau 15 ngày kể từ ngày cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần
nhận được Quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh mà cơ quan
có trách nhiệm hoặc thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh không đến nhận
người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh và cũng không có thông tin gì khác thì
cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần làm thủ tục xuất viện bình thường cho người bị
bắt buộc chữa bệnh.
Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm đến
nhận người, nhưng không đến hoặc đến không đúng thời hạn nêu trên, phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật.
4. Trường hợp người bị bắt buộc chữa
bệnh đã chấp hành xong hình phạt và khi họ đã khỏi bệnh, cơ sở bắt buộc chữa bệnh
tâm thần tiến hành thủ tục xuất viện cho họ tương tự người bệnh bình thường
khác.
Điều 13. Giải
quyết sau khi đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh
Sau khi có Quyết định đình chỉ thi
hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, việc phục hồi các hoạt động tố tụng đã tạm
đình chỉ, áp dụng biện pháp ngăn chặn, tiếp tục chấp hành hình phạt đối với người
đã được đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh do cơ quan điều tra, Viện
Kiểm sát, Tòa án quyết định theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 14. Tổ chức
cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Viện Giám định pháp y tâm thần
Trung ương và Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 (Thường tín, Hà Nội) có trách nhiệm
tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực phía Bắc; Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng
(thành phố Đà Nẵng) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị người bị bắt buộc
chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Trung,
Tây Nguyên; Phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam và Bệnh viện tâm thần
Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị
những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
thuộc khu vực phía Nam.
2. Số lượng giường bệnh tại các cơ
sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần quy định tại Khoản 1 Điều này do Bộ Y tế quy định.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu
lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2011.
Điều 16. Trách
nhiệm thi hành
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thi hành Nghị định
này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (5b)
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|